Chi tiết bài viết

Nguyên nhân và cách điều trị viêm thanh quản mạn tính

Viêm thanh quản mạn tính là hậu quả của tình trạng viêm thanh quản kéo dài do cảm lạnh hay nhiễm trùng đường hô hấp. Viêm thanh quản mạn tính có thể dẫn đến các biến chứng như khàn tiếng, mất tiếng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và sinh hoạt của con người.

1. Viêm thanh quản mạn tính là gì?

Viêm thanh quản mạn tính là tình trạng viêm niêm mạc thanh quản kéo dài trên 3 tuần, quá trình viêm này có thể dẫn tới quá sản, loạn sản hoặc teo niêm mạc thanh quản.

2. Nguyên nhân gây viêm thanh quản mạn tính

  • Do lạm dụng giọng: nói to, nói nhiều, gắng sức… ở những nghề như giáo viên, bán hàng, ca sĩ…
  • Do bệnh lý của đường hô hấp như: viêm mũi xoang, viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản…
  • Hít phải khí độc như hút thuốc lá, thuốc lào, hoá chất…
  • Khí hậu ẩm ướt, thay đổi quá nhiều nhiệt độ trong ngày, một số nghề nghiệp làm việc ngoài trời, nấu ăn, làm thuỷ tinh…
  • Các bệnh toàn thân: bệnh goute, bệnh gan, béo phì…
  • Hội chứng trào ngược (GERD).

3. Điều trị viêm thanh quản mạn tính

3.1. Nguyên tắc điều trị

  • Khi điều trị viêm thanh quản mạn tính cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
  • Hạn chế sử dụng giọng khi điều trị bệnh
  • Điều trị tại chỗ: các thuốc giảm viêm, giảm phù nề như: corticoid, men tiêu viêm…
  • Điều trị toàn thân: bằng thuốc giảm viêm, giảm phù nề như: corticoide, men tiêu viêm…
  • Điều trị các ổ viêm mũi họng, viêm xoang, hội chứng trào ngược dạ dày thực quản và các bệnh toàn thân khác
  • Liệu pháp luyện giọng
  • Phẫu thuật khi điều trị nội khoa không hiệu quả, viêm thanh quản có hạt xơ dây thanh.

3.2. Phương pháp điều trị cụ thể

  • Điều trị tại chỗ: Phương pháp phổ biến là xông, khí dung thanh quản bằng các thuốc kháng sinh như Hydrocortisone, Alpha chymotripsine. Ngoài ra có thể kết hợp sử dụng các thuốc giảm viêm, giảm phù nề theo chỉ định của bác sĩ.
  • Điều trị toàn thân: Sử dụng các thuốc chống viêm steroid (prednisolon, methylprednisolon, dexamethasone…) hoặc thuốc chống viêm dạng men (alpha chymotrypsine, lysozym…) tùy từng trường hợp bệnh.
  • Thực hiện các liệu pháp luyện giọng: Tùy vào mức độ tổn thương của giọng, các chuyên viên sẽ phối hợp cùng bệnh nhân tìm ra phương thức luyện giọng thích hợp, vừa giúp cải thiện giọng nói vừa bảo vệ thanh quản cho người bệnh.
  • Phương pháp phẫu thuật: Tiến hành phẫu thuật trong trường hợp điều trị bằng thuốc không hiệu quả, chỉ định cho tình trạng viêm phế quản bị phù Reinke, hạt xơ dây thanh, viêm thanh quản mãn tính biến chứng các bệnh lý về khối u thanh quản.

4. Phòng bệnh viêm thanh quản mạn tính như thế nào?

Để phòng bệnh viêm thanh quản mạn tính chúng ta cần chú ý:

  • Khi bị viêm thanh quản cấp tính cần điều trị triệt để, tránh bị chuyển nặng thành viêm thanh quản mạn tính
  • Điều trị triệt để các viêm nhiễm ở họng, mũi, xoang…
  • Tránh tiếp xúc với các chất hơi, hoá chất độc, sử dụng giọng hợp lý, nghỉ giọng khi có dấu hiệu viêm nhiễm mũi họng và viêm đợt cấp.

Ngoài ra, mỗi người nên có thói quen đến các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra tình trạng thanh quản, không nên chủ quan với những dấu hiệu dù là nhỏ nhất.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec