Chi tiết bài viết

Những khó khăn có thể gặp trong điều trị loãng xương

Loãng xương là bệnh lý thường gặp ở người tuổi trung niên, đặc biệt là phụ nữ đã mãn kinh và người cao tuổi. Bệnh liên quan tới nhiều bệnh lý mạn tính khác nên việc điều trị gặp khá nhiều khó khăn, thách thức.

1. Loãng xương là gì?

Loãng Xương (Osteoporosis) còn được gọi là thưa xương – là hiện tượng tăng phần xốp của xương do giảm số lượng tổ chức xương, giảm trọng lượng của một đơn vị thể tích, giảm mật độ xương (giảm tỷ trọng chất khoáng trong xương). Ở giai đoạn này, các kết cấu trong xương giảm độ đặc, độ dày và tăng phần xốp, thưa hơn, khi kiểm tra trên máy đo sẽ thấy mật độ xương giảm rõ rệt.

Nguyên nhân gây loãng xương chủ yếu là do tuổi tác. Do ít vận động ngoài trời nên ít hấp thụ vitamin D, đồng thời bị lão hóa chức năng dạ dày, gan, thận, đường ruột, suy giảm miễn dịch và khả năng tạo xương suy yếu,… đã dẫn đến tình trạng xương của người cao tuổi bị thoái hóa.

Ngoài ra, bệnh loãng xương ở người cao tuổi cũng có thể do mắc một số bệnh lý như suy thận, cường giáp, yếu liệt chi, chấn thương, lạm dụng thuốc corticoid trong thời gian dài hoặc mắc bệnh mạn tính phải nằm dài ngày,… Đặc biệt, phụ nữ mãn kinh có tỷ lệ loãng xương cao vì sau tuổi mãn kinh, hoạt động của buồng trứng ngưng lại, gây thiếu hụt nội tiết tố estrogen, làm tế bào hủy xương gia tăng hoạt tính trong khi chức năng điều hòa và hấp thụ canxi bị suy giảm.

Quá trình loãng xương diễn ra âm thầm, kéo dài trong nhiều năm. Sau 30 tuổi, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện quá trình mất chất xương. Thời gian đầu, người bệnh chưa có biểu hiện rõ rệt, chủ yếu là đau, nhức xương, mỏi ở cột sống, dọc các chi, các đầu xương, đau mỏi nhiều hơn vào ban đêm. Về sau, hiện tượng loãng xương không được điều trị, lượng khoáng chất trong xương bị mất đi càng nhiều, các triệu chứng đau nhức xương khớp sẽ rõ ràng hơn, tập trung nhiều ở những vùng xương chịu lực của cơ thể như hông, thắt lưng, khớp gối, đau cả ngày lẫn đêm, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe bệnh nhân.

Loãng xương dễ khiến người cao tuổi bị còng lưng, gây ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Thậm chí, loãng xương có thể gây nứt xương, gãy xương, nguy hiểm nhất là gãy cổ xương đùi, dẫn tới tàn phế.

2. Bệnh loãng xương và cách điều trị

Thuốc chống hủy xương và thuốc tái tạo xương được sử dụng để kìm hãm quá trình phân hủy xương, thúc đẩy quá trình tái tạo xương, giúp bệnh nhân loãng xương hấp thụ canxi tốt hơn.

  • Thuốc chống hủy xương: Giúp làm tăng khối lượng và độ cứng cáp của xương, giảm nguy cơ gãy xương bằng Bisphosphonates, gồm nhiều loại như Alendronate, Clodronate, Etidronate, Pyrophosphate,…;
  • Thuốc tái tạo xương: Calcium vitamin D3 và MK7 để hoạt hóa protein, tạo xương Osteocalcin. MK7 cùng vitamin D3 vận chuyển vào xương, kéo canxi từ các vị trí thừa đến xung xương, tránh nguy cơ sỏi thận, táo bón, các bệnh xơ vữa động mạch và vôi hóa mô mềm. Không chỉ vậy, MK7 còn tăng lượng collagen trong xương, giúp xương dẻo dai, làm chậm quá trình mất xương do sinh lý, kéo dài tuổi thọ ở người cao tuổi. Vitamin D còn giúp hấp thu canxi từ ruột vào máu tốt hơn.

Bệnh nhân cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị loãng xương. Ngoài điều trị ra, người cao tuổi cần tăng cường vận động, tập thể dục hằng ngày bằng những bài tập phù hợp như yoga, aerobics, đi bộ mỗi ngày khoảng 60 phút (2 – 3 lần) để tăng độ dẻo dai của xương khớp. Tuy nhiên, một số người cao tuổi mắc các bệnh như gai cột sống, lồi đĩa đệm cột sống, gai khớp gối,… nên tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ khi lựa chọn bài tập.

3. Khó khăn trong điều trị loãng xương

  • Khó kiểm soát nguyên nhân gây bệnh:

Bệnh loãng xương do nhiều nguyên nhân gây ra như chế độ ăn của người Việt chưa đáp ứng được nhu cầu canxi cơ thể cần, vấn đề tuổi tác, dị tật bẩm sinh, mắc bệnh chuyển hóa, di truyền,… Đây là những nguyên nhân khó kiểm soát nên sẽ gây nhiều khó khăn cho việc điều trị loãng xương.

  • Khó phát hiện bệnh sớm:

Các trường hợp mắc bệnh loãng xương thường không có triệu chứng rõ ràng trong nhiều năm. Chỉ khi triệu chứng đau nhức xương trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân mới đi kiểm tra, chẩn đoán xác định bệnh. Vì bỏ lỡ thời điểm điều trị bệnh sớm nên việc điều trị loãng xương sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

  • Biến chứng nguy hiểm:

Loãng xương thường gây ra nhiều biến chứng như gãy cổ xương đùi, xương cột sống và xương tay, thường gặp nhất là gãy cổ xương đùi. Khi cổ xương đùi bị gãy, người bệnh sẽ phải chịu đau đớn kéo dài, khó đi lại, sinh hoạt khó khăn. Ngoài ra, vì nằm lâu một chỗ nên bệnh nhân dễ bị loét ở mông, gót chân, lưng; các cơ quan như đại tràng, bàng quang hoạt động không tốt, gây tiểu tiện khó khăn, ứ trệ nước tiểu, nhiễm trùng niệu,…

Đồng thời, do ít vận động hoặc không vận động, bệnh nhân bị viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới, tắc mạch thứ phát gây nhồi máu cơ tim, nhồi máu phổi, viêm phổi do bội nhiễm,… Có khoảng 12 – 20% bệnh nhân gãy cổ xương đùi tử vong trong vòng 12 tháng sau khi bị gãy xương. Đặc biệt, người cao tuổi còn thường mắc các bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy giảm trí nhớ,… Sau biến chứng gãy xương do loãng xương, việc điều trị cùng lúc nhiều bệnh lý sẽ rất khó khăn và tốn kém;

  • Thời gian điều trị kéo dài:

Loãng xương là một bệnh mạn tính, tiến triển và liên quan đến tuổi. Một liệu trình điều trị loãng xương thường kéo dài 3 – 5 năm, thậm chí tới 10 năm để thu được hiệu quả ngăn ngừa hoặc làm giảm nguy cơ loãng xương. Rất nhiều bệnh nhân không thể kiên trì với liệu trình điều trị.

Điều trị loãng xương rất khó khăn và phức tạp, mất nhiều thời gian và tốn kém. Vì vậy, tốt nhất mỗi người cần chú ý phòng ngừa loãng xương bằng cách duy trì chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý, bổ sung nhiều thức ăn giàu canxi, thường xuyên vận động ngoài trời để tạo tiền vitamin D, giúp hấp thu canxi tốt hơn. Bên cạnh đó, cần tránh thói quen có hại cho xương như hút thuốc lá, uống rượu bia; trong chế độ sinh hoạt hằng ngày nên tránh những tư thế có hại cho xương vào cột sống.

Chẩn đoán và điều trị loãng xương sớm góp phần giảm tỷ lệ gãy xương, làm tăng chất lượng cuộc sống và giảm gánh nặng chi phí điều trị. Do đó, khi thấy có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh xương khớp, tốt nhất người bệnh nên đi khám chuyên khoa xương khớp để được chẩn đoán xác định bệnh. Đặc biệt, những đối tượng có nguy cơ loãng xương cao nên đo loãng xương định kỳ 2 năm/lần.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec