Chi tiết bài viết

Phân biệt sốt rét và sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết và sốt rét đều là 2 bệnh truyền nhiễm dễ gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và tính mạng người bệnh. Sốt xuất huyết và sốt rét thường có triệu chứng ban đầu tương tự nhau là sốt cao, rét run nên rất khó để chẩn đoán và điều trị.

1. Bệnh sốt xuất huyết và sốt rét là gì?

Sốt rét và sốt xuất huyết đều là 2 bệnh truyền nhiễm dễ gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và tính mạng người bệnh. Cả 2 bệnh hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh. Bệnh thường gây ra dịch lớn làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.

Sốt xuất huyết là bệnh lây truyền thông qua muỗi Aedes aegypti cái (hay còn gọi là muỗi vằn cái). Chúng gây ảnh hưởng đến các tế bào hồng cầu, tiểu cầu trong máu. Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, các triệu chứng của bệnh sẽ xuất hiện sau 4 – 13 ngày. Muỗi sốt xuất huyết ưa đốt người trong ánh sáng ban ngày.

Sốt rét là bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến các tế bào máu lây truyền bởi muỗi Anophen cái. Bệnh do ký sinh trùng đơn bào Plasmodium gây ra. Bạn sẽ thấy các triệu chứng của sốt rét xuất hiện 8 – 25 ngày sau khi bị muỗi đốt. Muỗi Anophen truyền bệnh sốt rét thích đốt người vào thời gian chập tối và lúc bình minh.

2. Phân biệt sốt rét và sốt xuất huyết

Để phân biệt sốt rét và sốt xuất huyết khác nhau sẽ dựa vào các dấu hiệu, nguyên nhân, thời gian ủ bệnh, bởi dù có triệu chứng ban đầu tương tự nhau là sốt cao, rét run nhưng ở mỗi bệnh, sẽ có các đặc điểm khác nhau.

2.1 Nguyên nhân

  • Sốt xuất huyết: Bệnh lây truyền qua vết cắn của muỗi nhiễm Aedes aegypti và lây lan nếu muỗi cắn một người nhiễm bệnh rồi sau đó lây sang những người không bị nhiễm bệnh. Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết thường tấn công vào ban ngày.
  • Sốt rét: Có chung đặc điểm gây bệnh là do muỗi cắn, tuy nhiên sốt rét khác sốt xuất huyết ở chỗ sốt rét do vết cắn của muỗi cái Anopheles. Bệnh lây lan qua vết cắn của một con muỗi cái Anopheles chứ không giống bệnh sốt xuất huyết. Muỗi gây bệnh sốt rét thường tấn công vào ban đêm là chủ yếu.

2.2. Thời gian ủ bệnh

  • Sốt xuất huyết: 4-5 ngày sau khi bị cắn, các triệu chứng sốt xuất huyết xuất hiện. Vậy sốt xuất huyết bao lâu thì khỏi? Theo đó, kể từ thời gian phát bệnh với những cơn sốt cao đầu tiên, bệnh sẽ khỏi dần trong 7-10 ngày sau đó.
  • Sốt rét: 10-15 ngày sau khi bị cắn, các triệu chứng sốt rét xuất hiện.

2.3. Triệu chứng

Sốt xuất huyết:

  • Virus gây bệnh tấn công người bệnh đột ngột; đau đầu vẫn kéo dài một thời gian và xuất hiện triệu chứng đau nhức xương.
  • Sốt xuất huyết thường khởi phát bằng cơn sốt liên tục kéo dài trong khoảng 3-4 ngày. Người bệnh có thể bị sốt từ 39,5 độ C đến 41,5 độ C, kèm theo đau đầu và đau nhức ở xương khớp.
  • Sau khi hạ sốt, người bệnh có thể bị xuất huyết dưới da, chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng, nướu.
  • Ngoài ra, người bệnh sốt xuất huyết còn có một số triệu chứng như buồn nôn, nôn, chán ăn, đau hốc mắt…

Sốt rét:

  • Thời gian sốt của bệnh sốt rét có thời gian ngắn hơn nhưng có nhiều triệu chứng như đau khớp, buồn nôn và nôn, đổ mồ hôi, thiếu máu…
  • Bệnh sốt rét sau đó thường trở lại với các biểu hiện như: ớn lạnh, hấp nóng, đổ vã mồ hôi.
  • Sốt rét không biến chứng có thể xuất hiện theo từng đợt và thường kéo dài từ 6 đến 10 tiếng. Vậy mỗi cơn sốt rét kéo dài bao lâu? Cơn rét run có thể từ 15 phút đến 1 giờ, tương ứng giai đoạn cường giao cảm. Sau đó, nhiệt độ tăng cao 39 – 40 độ C, có thể từ 30 phút đến vài giờ và cuối cùng là nhiệt độ giảm, vã mồ hôi… Ngoài ra, có một số triệu chứng khác như vàng da nhẹ và thở gấp.
  • Sốt rét biến chứng: Sốt rét nghiêm trọng có thể gây tử vong. Một số bệnh nhân sẽ có triệu chứng không cụ thể như: cảm giác mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, đau nhức người. Nếu bệnh tiến triển đến giai đoạn gây ảnh hưởng đến nội tạng, máu hoặc chức năng trao đổi chất thì các triệu chứng của bệnh sẽ trở nên dữ dội hơn như: Thay đổi hành vi bất thường, mất nhận thức, co giật, thiếu máu, khó thở, huyết áp hạ thấp, suy thận,..

3. Cách phòng bệnh sốt rét và sốt xuất huyết

Phòng bệnh sốt rét và sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt bằng cách:

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước hoặc lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến để muỗi không vào đẻ trứng.
Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh ly vỡ, ống bơ,…, dọn vệ sinh môi trường.
Phòng chống muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay (Mặc các loại trang phục có màu sáng và che kín da thay vì mặc quần áo tối màu. Điều này giúp bạn tránh tạo sự thu hút cho muỗi); ngủ trong màn kể cả ngày và đêm.
Tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Dùng các loại bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi… để hạn chế muỗi đốt.
Khi bị bệnh cần có phương pháp để tránh lây lan bệnh cho người khác.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec