Chi tiết bài viết

Phẫu thuật khâu triệt mạch trĩ – một phương pháp điều trị không sang chấn, có thể ra viện ngay

Phương pháp phẫu thuật khâu triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler với hệ thống Trilogy không dây. 

Phương pháp này có rất nhiều ưu điểm: không gây sang chấn, phẫu thuật không phải cắt bỏ búi trĩ giúp bệnh nhân rất ít đau sau mổ, tỉ lệ tai biến, biến chứng rất thấp, bệnh nhân có thể ra viện 6 giờ sau mổ. Một nghiên cứu trên 2741 bệnh nhân đã cho thấy tỷ lệ trên 90% bệnh nhân hài lòng với phương pháp này. Đặc biệt thời gian gần đây, Hãng A.M.I đã cho ra đời hệ thống Trilogy không dây, rất tiện lợi trong thực hiện kỹ thuật. Từ năm 2000 tới nay, tại châu Âu đã có trên 1200 bệnh nhân được áp dụng , 60 hội thảo và 400 bác sỹ được đào tạo để ứng dụng phương pháp này!

Các bác sĩ cung cấp thông tin về về bệnh trĩ và phương pháp này như sau:

Trĩ là một bênh rất phổ biến, hay gặp ở người lớn, các phương pháp điều trị trĩ bao gồm điều trị nội khoa với những bệnh nhân có bệnh trĩ ở mức độ nhẹ, sa niêm mạc trực tràng độ 1, độ 2. Với những bệnh nhân bị bệnh trĩ ở mức độ nặng hơn, sa niêm mạc trực tràng độ 3, 4 hoặc trĩ đã có biến chứng thì cần phải phẫu thuật. Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau đang được ứng dụng tại Việt Nam. Hai nhóm phương pháp đang được ứng dụng phổ biến là:

– Các phương pháp cắt bỏ búi trĩ: Phẫu thuật Miligan Morgan (1937), Phẫu thuật Ferguson (1959), Phẫu thuật Whitehead…Nhược điểm chính của các phương pháp này là phải cắt trực tiếp vào búi trĩ nên để lại vết thương trực tiếp tại vùng hậu môn, một vùng rất nhạy cảm, khiến bệnh nhân rất đau đớn, vết mổ lâu liền sẹo, để lại sẹo tại vùng hậu môn và có nguy cơ hẹp hậu môn sau mổ. Hơn nữa, do trong điều kiện bình thường, các búi trĩ đóng vai trò như một tổ chức đệm làm cho hậu môn có thể đóng kín, sau khi cắt hết các búi trĩ có thể dẫn tới hậu môn đóng không kín, gây chảy dịch sau mổ, ảnh hưởng đến sinh hoạt của bệnh nhân
– Phẫu thuật Longo (1993): Cắt bỏ vòng niêm mạc trĩ trên đường lược và khâu nối tự động bằng máy PPH. Phương pháp nhằm cắt bỏ nguồn mạch máu đến các búi trĩ đồng thời kéo niêm mạc trực tràng bị sa lên phía trên. Phương pháp đang được ứng dụng khá rộng rãi tại Việt nam trong thời gian gần đây nhưng đang được hạn chế sử dụng tại các nước Phương tây do có một tỷ lệ tai biến chảy máu, biến chứng hẹp hậu môn sau mổ và một tỷ lệ tái phát khá cao.

Phương pháp khâu triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm (Haemorrhoidal Artery Ligation: HAL) kết hợp với khâu treo niêm mạc trĩ sa (Recto Anal Repair: RAR) do Morinaga  (Nhật Bản) đề xuất năm 1995 dựa trên nguyên lý xác định động mạch trĩ bằng siêu âm Doppler để thắt ở trên đường lược. Đây là kỹ thuật ít xâm lấn tổ chức, do không phải cắt trực tiếp các búi trĩ, phương pháp ít đau và ít biến chứng, bệnh nhân có thể ra viện trong ngày. Phương pháp chỉ định tốt cho trĩ, sa niêm mạc trực tràng độ 2, độ 3, một số tác giả còn áp dụng cho trĩ, sa niêm mạc trực tràng độ 4. Phương pháp đang được áp dụng rất rộng rãi tại Châu Âu, đang thay thế dần các phương pháp cắt bỏ búi trĩ trực tiếp và phương pháp Longo.

Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108