Chi tiết bài viết

Sốc phản vệ trước, trong và sau phẫu thuật

Sốc phản vệ là một trong các biến chứng nguy hiểm trong và sau phẫu thuật, thậm chí có thể gây tử vong nếu không được phát hiện – xử lý kịp thời. Trong bài viết này, một số vấn đề liên quan đến sốc phản vệ trong và sau phẫu thuật sẽ được đề cập nhằm giúp bạn đọc dễ dàng nhận biết biến chứng này.

1. Thế nào là sốc phản vệ?

Sốc phản vệ được định nghĩa là một phản ứng nghiêm trọng, xảy ra khi cơ thể có phản ứng dị ứng với thuốc, các loại chất hóa học, thực phẩm, nọc độc côn trùng, nhựa… Thông thường, sốc phản vệ xảy ra rất nhanh trong vài giây – vài phút sau khi cơ thể có tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.

Khi tình trạng sốc phản vệ xảy ra, một loạt các chất hóa học sẽ được hệ miễn dịch giải phóng, dẫn đến tình trạng huyết áp bệnh nhân sẽ đột ngột hạ thấp và tắc nghẽn đường thở. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ có những dấu hiệu nặng nề hơn như:

  • Mạch đập yếu và nhanh.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Da nổi các ban đỏ.
  • Thở khò khè, khó thở, co thắt đường thở.
  • Họng bị nghẹn…

Tình trạng sốc phản vệ cần được xử lý ngay lập tức. Nếu như xảy ra quá lâu, biến chứng này có thể gây ra mất ý thức, thậm chí tử vong.

2. Tìm hiểu về sốc phản vệ trong phẫu thuật

Các tác nhân phổ biến gây ra sốc phản vệ trong phẫu thuật thường là các loại thuốc giãn cơ. Bên cạnh đó, thuốc gây mê và thuốc kháng sinh cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này (chiếm khoảng 10% nguyên nhân).

Cụ thể hơn, một số các loại thuốc gây ra sốc phản vệ gồm:

  • Nhóm thuốc kháng sinh như Streptomycin, ampicillin, penicillin, amoxicillin, cephalosporin…
  • Nhóm thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen, salicylat, indomethacin…
  • Một số loại vitamin tiêm tĩnh mạch như vitamin C, vitamin B1, vitamin B12… Trong đó, vitamin C tiêm tĩnh mạch là nguyên nhân gây ra sốc phản vệ phổ biến ở nước ta.
  • Một số loại dịch truyền như glucose, nutrisol, bestamin, tryptophan…
  • Thuốc gây tê: novocain, procain, lidocaine, thiopental…
  • Thuốc cản quang chứa iot.
  • Một số hormone như vasopressin, ACTH, insulin…
  • Thuốc có phân tử lượng thấp.
  • Một số huyết thanh, vaxin, enzym…

Hiện tượng sốc phản vệ trong phẫu thuật có thể gặp khó khăn trong việc chẩn đoán vì bệnh nhân có thể sẽ không biểu hiện triệu chứng. Một số ít trường hợp có thể có các biểu hiện trên da, nhưng đa số rất khó nhận biết. Vì vậy, các bác sĩ cần phải thực hiện đầy đủ phương pháp phòng ngừa bao gồm:

  • Kiểm tra đầy đủ tiền sử của bệnh nhân.
  • Xét nghiệm dị ứng bằng một số xét nghiệm máu, đặc biệt là dị ứng latex ở các bệnh nhân có nguy cơ cao.

3. Làm thế nào để nhận biết sốc phản vệ trong phẫu thuật?

Các điều dưỡng và bác sĩ buộc phải lắp đặt máy theo dõi huyết áp – mạch cũng như trạng thái hô hấp của bệnh nhân đối với các phẫu thuật có gây mê toàn thân. Khi huyết áp giảm đột ngột và hô hấp có bất thường, bệnh nhân có khả năng bị sốc phản vệ, cần phải xử trí nhanh.

4. Tìm hiểu về tình trạng sốc phản vệ sau phẫu thuật

Sau các cuộc phẫu thuật lớn, bệnh nhân vẫn sẽ được theo dõi tại bệnh viện trong một thời gian nhất định. Thời gian này, việc tiêm truyền một số loại thuốc cũng có thể gây ra sốc phản vệ cho bệnh nhân.

Lúc này, bệnh nhân đã tỉnh khỏi tình trạng gây mê trong phẫu thuật, việc nhận biết sốc phản vệ sau phẫu thuật sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Tùy theo từng cấp độ mà sốc phản vệ sau phẫu thuật có thể được chẩn đoán dựa trên các biểu hiện lâm sàng sau:

Cấp độ Dấu hiệu – triệu chứng
Cấp độ 1 Đỏ da, nổi mề đay, có biểu hiện phù mạch.
Cấp độ 2 Có dấu hiệu trên da và niêm mạc mắt, co thắt phế quản, huyết áp hạ đột ngột.
Cấp độ 3 Loạn nhịp tim, co thắt phế quản và trụy tim.
Cấp độ 4 Trụy tim, phổi

Các dấu hiệu này xuất hiện rất nhanh trong vòng vài phút sau khi tiêm truyền/uống thuốc có mang tác nhân gây dị ứng đến cơ thể. Vì vậy, bác sĩ và y tá sẽ dễ dàng nhận biết, cấp cứu kịp thời.

Trong trường hợp bệnh nhân đã trở về nhà sau các cuộc tiểu phẫu và được hướng dẫn một số loại thuốc, tình trạng sốc phản vệ sau phẫu thuật cũng có thể xảy ra đối với một số tác nhân như thuốc, phổ biến nhất là penicillin, tiếp đến là ibuprofen, aspirin, naproxen,…

Người nhà cần theo dõi bệnh nhân trong thời gian uống thuốc và hồi phục sau phẫu thuật. Khi phát hiện bệnh nhân có những dấu hiệu sốc phản vệ được đề cập phía trên, cần phải ngay lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

5. Điều trị – khắc phục tình trạng sốc phản vệ như thế nào?

  • Ngừng sử dụng mọi tác nhân nghi ngờ gây ra phản ứng dị ứng, bảo vệ đường thở và tăng cường lưu thông Oxy.
  • Tiêm/truyền Adrenalin với liều lượng phù hợp, theo dõi chặt chẽ huyết động.
  • Tùy theo từng kiểu đáp ứng Adrenaline của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có các xử trí khác nhau.
  • Đối với trường hợp sốc phản vệ trong phẫu thuật, các bác sĩ cần kết thúc phẫu thuật nhanh nhất có thể và công việc hậu phẫu sẽ bao gồm quá trình chăm sóc đặc biệt, vì sốc phản vệ có thể trở lại trong khoảng 32 tiếng sau đó (tỷ lệ 20%).
  • Kiểm soát bệnh nhân sau phản vệ.

Có thể thấy, sốc phản vệ là một phản ứng nghiêm trọng có thể xảy ra khi cơ thể có dị ứng với các tác nhân, đặc biệt là thuốc mê/thuốc tê/thuốc giãn cơ… trong phẫu thuật và kháng sinh sau phẫu thuật. Vì vậy, bệnh nhân cần được kiểm tra tiền mê để đánh giá cụ thể nguy cơ do dùng thuốc, hạn chế biến chứng này đến mức tối đa.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec​