Chi tiết bài viết

Sốt kéo dài ở trẻ em

Rất nhiều bệnh lý có thể gây sốt kéo dài cho trẻ em, chẳng hạn nhiễm khuẩn, bệnh về máu, viêm khớp dạng thấp. Áp xe phổi, lao, thương hàn… cũng có thể gây ra hiện tượng này.

Sốt là hiện tượng tăng nhiệt độ của cơ thể được xác nhận khi nhiệt độ đo được ở hậu môn trên 37,8 độ C (ở trẻ bú mẹ) hoặc trên 38 độ C (ở trẻ lớn hơn) do hậu quả của sự rối loạn trung tâm điều nhiệt độ ở vùng dưới đồi làm tăng “ngưỡng thân nhiệt”. Sốt kéo dài ở trẻ em có rất nhiều nguyên nhân: bệnh của tổ chức tân (các bệnh về máu và cơ quan sinh máu, các khối u); các bệnh thuộc tổ chức mô liên kết (bệnh sốt thấp, viêm khớp dạng thấp…)… Sốt kéo dài do các bệnh nhiễm khuẩn là nhóm nguyên nhân cơ bản, chiếm đa số trường hợp sốt kéo dài ở trẻ em. Dưới đây là một số bệnh nhiễm khuẩn thường gặp khiến trẻ sốt kéo dài:

Nhiễm khuẩn huyết: Đây là tình trạng nhiễm khuẩn nặng do có vi khuẩn trong máu và nhiều tổ chức gây ra. Ở trẻ sơ sinh, nhiễm khuẩn huyết dễ xảy ra sau nhiễm khuẩn màng ối, nhiễm khuẩn rốn nhiễm khuẩn da, hô hấp, vỡ các màng trước khi sinh.

Nhiễm khuẩn huyết do liên cầu thường xảy ra đồng thời với bệnh viêm nội tâm mạc bán cấp. Nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu bắt đầu từ nhiễm khuẩn ngoài da và diễn biến rất nặng, tổn thương nhiều phủ tạng. Nhiễm khuẩn huyết do trực khuẩn gram âm, E.coli thường thứ phát sau viêm ruột, hay nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ nhỏ, loại nhiễm khuẩn này thường hay gây sốc nhiễm khuẩn.

Dự phòng: Phải thực hiện tốt các chế độ vô khuẩn khi làm các thủ thuật, khi thăm dò, chăm sóc rốn trẻ sơ sinh. Nên điều trị tích cực các ổ nhiễm khuẩn khu trú, các vết thương bẩn càng sớm càng tốt.

Bệnh do xoắn khuẩn Leptospira: Thường gặp ở các vùng nhiệt đới, đặc biệt là vùng nông thôn có ruộng, rẫy và khu chăn nuôi công nghiệp. Các loài gặm nhấm và gia súc như chó, mèo, trâu, bò… là trung gian truyền bệnh sang người. Bệnh cảnh lâm sàng thường thấy gồm sốt cao đột ngột 39-40 độ C có kèm rét run và tăng huyết áp; đau nhức lan tỏa, nhức đầu vùng trán, đau tăng nhiều khi có biểu hiện viêm màng não; đau cơ bắp, xuất huyết, vàng da, gan lách to ít nhưng ấn đau, nước tiểu màu đỏ, kết mạc mắt sung huyết, phù nề… Chẩn đoán xác định dựa vào phản ứng bất động xoắn khuẩn trên kính hiển vi nền đen hoặc cấy máu, nước tiểu và dịch não tủy.

Dự phòng: Không cho trẻ chơi với chó, mèo; không tắm, sử dụng nguồn nước khi nghi ngờ đã bị nhiễm Leptospira. Kiểm soát dịch bệnh ở những khu công nghiệp chăn nuôi gia súc.

Bệnh thương hàn: Người là nguồn lây bệnh duy nhất và đường lây là từ phân – miệng, lây lan theo nguồn nước, thức ăn ô nhiễm trực khuẩn Salmonella typhi do tay bẩn. Bệnh cảnh thương hàn ở trẻ em hiện nay thường không điển hình, thường sốt kéo dài kèm theo tiêu chảy, nôn mửa, co giật toàn thân, bụng trướng có hơi, lách to ít và tỷ lệ trẻ lớn mắc bệnh cao hơn.

Dự phòng: Trẻ trên 2 tuổi nên tiêm chủng văcxin TAB, sau 6-12 tháng tiêm nhắc lại để củng cố miễn dịch. Nên giữ gìn vệ sinh ăn uống, không ăn thức ăn ôi thiu, quá hạn sử dụng, giữ gìn sạch sẽ vệ sinh nơi ở.

Bệnh lao: Là bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra và do người lớn truyền sang trẻ em là chủ yếu. Thường gặp lao sơ nhiễm xảy ra ở trẻ từ 2-5 tuổi, với các triệu chứng: sốt thất thường (hay sốt về chiều), kéo dài không rõ nguyên nhân, trẻ sụt cân, ho lâu ngày và suy kiệt. Để xác định chẩn đoán lao ở trẻ em cần khai thác kỹ tiền sử lây nhiễm, chụp phim phổi, dùng các xét nghiệm miễn dịch…

Dự phòng: Tiêm chủng BCG cho trẻ sớm nhất (từ 3 ngày tuổi).

Các bệnh mạn tính ở tai mũi họng: Viêm V.A, viêm amiđan mạn tính, viêm xoang mạn tính, viêm tai xương chũm mạn tính giai đoạn đầu là những bệnh thường gặp nhất khi các ổ nhiễm khuẩn mạn tính có vi khuẩn. Nếu bệnh nhi đến khám thấy sốt kéo dài mà không rõ nguyên nhân, bác sĩ thường chỉ định phải khám tai mũi họng để xác định trẻ có bị mắc các bệnh mạn tính trên không.

Dự phòng: Không cho trẻ ăn đồ quá lạnh hoặc nằm ngủ dưới máy điều hòa không khí thường xuyên. Nên thường xuyên khám kiểm tra định kỳ tai mũi họng cho trẻ.

Các ổ nung mủ sâu

Áp-xe phổi: Thường xảy ra sau viêm phổi, dị vật đường thở. Biểu hiện: sốt cao, ăn kém, khó ăn, sụt cân, khó thở dần, ho và khạc đờm thối có lẫn máu và mủ. Gõ đục khi thăm khám, nghe phổi có tiếng ran ẩm…

Áp-xe não: Bệnh tim bẩm sinh có tím thường hay gây biến chứng áp-xe não. Các vi khuẩn gây bệnh là liên cầu hiếu khí hoặc kỵ khí, tụ cầu vàng, phế cầu, proteus và Hemophilus influenza. Triệu chứng: sốt cao, cứng gáy, giật cục bộ, liệt nửa người, mất ngôn ngữ. Những trẻ bị áp-xe não thường là thứ phát sau viêm tai xương chũm, chấn thương sọ não…

Nguồn: Vnexpress.net