Chi tiết bài viết

Sự khác biệt giữa viêm gan A, viêm gan B và viêm gan C là gì?

Gan là một cơ quan quan trọng xử lý các chất dinh dưỡng, lọc máu và chống lại nhiễm trùng. Khi gan bị viêm hoặc bị hư hại, chức năng của nó sẽ bị ảnh hưởng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm gan; trong đó có viêm gan do virus trong đó có viêm gan do virus. Các virus hay gặp bao gồm virus viêm gan A, B, C, D và E.

1. Viêm gan là gì?

Viêm gan tức là gan bị viêm hoặc bị hư hại, tổn thương. Sử dụng rượu nặng, độc tố, và một số loại thuốc có thể gây viêm gan. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do virus viêm gan gây ra. Tại Hoa Kỳ, các loại virus viêm gan phổ biến nhất là virus viêm gan A, virus viêm gan B và virus viêm gan C.

1.1 Viêm gan A là gì?

Viêm gan A là một bệnh nhiễm trùng gan rất dễ lây lan do virus viêm gan A gây ra. Bệnh nhẹ kéo dài một vài tuần đến một bệnh nặng kéo dài vài tháng. Mặc dù hiếm gặp, tuy nhiên viêm gan A có thể gây tử vong ở một số người. Viêm gan A thường lây lan khi một người vô tình ăn phải thực phẩm hoặc đồ uống bị ô nhiễm hay tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.

1.2 Viêm gan B là gì?

Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng do vi rút tấn công gan và có thể gây viêm gan cấp tính và mãn tính, ước tính có đến gần 1/3 dân số thế giới mắc bệnh, tỷ lệ mắc nhiều nhất tại các nước đang phát triển. Đối với một số người bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính, có nghĩa là bệnh kéo dài hơn 6 tháng tăng nguy cơ dẫn đến suy gan, ung thư gan hoặc xơ gan. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

1.3 Viêm gan C là gì?

Viêm gan C là bệnh truyền nhiễm do Hepatitis C virus (HCV) gây nên, là một bệnh lặng lẽ nhưng những hậu quả để lại rất nghiêm trọng. Tuy là thế nhưng bệnh viêm gan C hiện nay rất ít được quan tâm để ý. Thế giới mỗi năm có khoảng 3% dân số bị mắc bệnh viêm gan C và khoảng 170 triệu người lành mang trong mình virus viêm gan C.

2. Sự khác biệt giữa viêm gan A, viêm gan B và viêm gan C

Viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C là những bệnh nhiễm trùng gan do ba loại virus khác nhau gây ra. Mặc dù mỗi loại có thể gây ra các triệu chứng tương tự, chúng có các phương thức lây truyền khác nhau và có thể ảnh hưởng đến gan khác nhau.

Viêm gan A thường là một bệnh nhiễm trùng ngắn hạn và không trở thành mãn tính. Viêm gan B và viêm gan C cũng có thể bắt đầu như nhiễm trùng cấp tính, ngắn hạn, nhưng ở một số người, virus vẫn tồn tại trong cơ thể, dẫn đến bệnh mãn tính và các vấn đề về gan lâu dài. Có vắc-xin để ngăn ngừa viêm gan A và viêm gan B; tuy nhiên, không có vắc-xin viêm gan C.

Một số điểm khác biệt giữa viêm gan A, viêm gan B và viêm gan C bao gồm:

2.1 Triệu chứng bệnh

  • Viêm gan A: Các bệnh nhân sẽ có những biểu hiện sau vài tuần khi nhiễm virus viêm gan A. Các triệu chứng thường gặp là sốt, tiêu chảy, đau bụng, đau cơ, đau khớp. Phần lớn các triệu chứng không hoặc ít xuất hiện rõ nét. Thường các triệu chứng xuất hiện khi bệnh chuyển biến nặng
  • Viêm gan B: Các triệu chứng của bệnh viêm gan B cũng khó nhận biết, một số triệu chứng phổ biến thường gặp như sốt, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, nôn, buồn nôn, vàng da…
  • Viêm gan C: Đây là một loại nhiễm trùng cấp tính nhưng nếu kéo dài trên 6 tháng thì sẽ được coi là tình trạng mãn tính và có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Triệu chứng thường gặp bao gồm sốt, mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, đau khớp, vàng da

2.2 Đường lây truyền

  • Viêm gan A: Viêm gan A lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa, vi rút viêm gan A lây lan qua con đường tiếp xúc trực tiếp giữa người lành với phân hoặc các đồ vật, dụng cụ có dính phân của người bị viêm gan A qua đường miệng. Các vi rút gây bệnh này sẽ theo đường tiêu hóa đi vào trú ngụ và tấn công gan của người bị lây nhiễm.
  • Viêm gan B: Vi rút viêm gan B lây qua đường máu. Tức là khi tiếp nhận trực tiếp máu của người bị viêm gan B khi dùng chung bơm kim tiêm, sử dụng chung dao cạo râu, hay tiếp xúc trực tiếp vết xước với máu nhiễm vi rút sẽ bị lây nhiễm bệnh viêm gan B. Viêm gan B còn có tính di truyền từ mẹ sang con. Những người bị viêm gan B khi sinh con cũng sẽ truyền loại vi rút này sang con. Viêm gan B có thể lây lan qua đường tình dục. Việc quan hệ tình dục không an toàn với người bị viêm gan B cũng sẽ bị nhiễm bệnh.
  • Viêm gan C: Viêm gan C có thể lây truyền thông qua máu của người nhiễm bệnh. Những người tiêm chích ma túy dùng chung bơm kim tiêm cũng có nguy cơ cao bị viêm gan C. Viêm gan C cũng có thể lây truyền qua đường tình dục hoặc lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở.

2.3 Mức độ nguy hiểm

  • Viêm gan A: Bệnh viêm gan A có thể tự khỏi hoặc được chữa khỏi nhanh chóng nếu được điều trị tích cực. Do đó, người bệnh không cần quá lo lắng về căn bệnh, chỉ cần yên tâm điều trị tốt thì sẽ loại bỏ được vi rút viêm gan A.
  • Viêm gan B: Bệnh sẽ diễn tiến từ nhẹ đến nặng theo các mức độ khác nhau từ viêm gan B cấp tính, mãn tính và viêm gan B nặng (giai đoạn cuối). Bệnh thường gây nguy hiểm cao và dễ chuyển thành xơ gan, ung thư gan nếu không được điều trị nhanh chóng và phù hợp.
  • Viêm gan C: Trong vòng thời gian từ 20-30 năm, viêm gan C mãn tính có thể gây xơ gan, và suy giảm chức năng gan. Viêm gan C cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư gan hoặc suy gan

2.4 Các đối tượng cần tiêm phòng viêm gan

Đối với viêm gan A

  • Tất cả trẻ em từ 1 tuổi
  • Gia đình và người chăm sóc người nhận nuôi từ các quốc gia nơi thường gặp viêm gan A
  • Những người sử dụng ma túy
  • Những người bị bệnh gan mãn tính hoặc lâu dài, bao gồm viêm gan B hoặc viêm gan C
  • Người bị rối loạn yếu tố đông máu
  • Những người tiếp xúc trực tiếp với những người bị viêm gan A
  • Bất cứ ai muốn có được miễn dịch (bảo vệ)
  • Những người đang trải qua tình trạng vô gia cư
  • Khách du lịch đến quốc gia có bệnh viêm gan xảy ra phổ biến

Đối với viêm gan B

  • Tất cả trẻ sơ sinh
  • Tất cả trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi chưa được tiêm phòng
  • Những người có nguy cơ bị nhiễm bệnh do tiếp xúc tình dục bao gồm: những người có bạn tình bị viêm gan B, những người hoạt động tình dục không có mối quan hệ một vợ một chồng.
  • Những người có nguy cơ bị nhiễm bệnh do tiếp xúc với máu bao gồm: những người tiêm chích ma túy, những người sống chung với người bị viêm gan B, cư dân và nhân viên của các cơ sở cho người khuyết tật phát triển, nhân viên y tế và nhân viên an toàn công cộng có nguy cơ tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể bị nhiễm máu trong công việc
  • Bệnh nhân chạy thận nhân tạo và tiền lọc máu, lọc màng bụng và bệnh nhân chạy thận tại nhà
  • Người mắc bệnh tiểu đường. Những người mắc bệnh tiểu đường từ 60 tuổi trở lên nên hỏi bác sĩ.
  • Du khách đến nơi thường xảy ra viêm gan B
  • Người bị viêm gan C
  • Người mắc bệnh gan mạn tính
  • Người nhiễm HIV

Đối với viêm gan C

Không có vắc – xin cho bệnh viêm gan C

Để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ, tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh trước khi được tiêm chủng do không có miễn dịch bảo vệ.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec