Chi tiết bài viết

Tác hại của thiếu sắt và thiếu máu dinh dưỡng

Thiếu sắt, thiếu máu dinh dưỡng ở mọi độ tuổi sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và tinh thần. Do vậy việc phát hiện và điều trị kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng.

1. Nguyên nhân thiếu sắt và thiếu máu dinh dưỡng

Sắt có vai trò rất quan trọng đối với chức năng của cơ thể. Sắt cấu tạo nên hemoglobin để vận chuyển oxy từ phổi đến tất cả các cơ quan; tham gia vào quá trình tạo thành myoglobin- sắc tố hô hấp của cơ; tham gia vào cấu tạo của nhiều enzyme hệ miễn dịch. Thiếu sắt là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng thiếu máu dinh dưỡng ở mọi lứa tuổi.

Nguyên nhân gây thiết sắt là do cung cấp sắt không đủ. Cụ thể:

  • Chế độ ăn nghèo nàn, ít dinh dưỡng, cung cấp không đủ sắt dẫn đến thiếu sắt;
  • Mất sắt mạn tính, gặp trong nhiễm giun móc, loét dạ dày tá tràng, polyp ruột, chảy máu cam, hành kinh (trẻ gái dậy thì)…

Biểu hiện lâm sàng của thiếu máu, thiếu sắt thường xảy ra từ từ, khó nhận biết. Một số dấu hiệu nhận biết thiếu sắt như:

  • Da thường xanh xao ở lòng bàn tay bàn chân, vành tai, niêm mạc họng,…
  • Khả năng vận động yếu, chậm chạp, mệt mỏi, kém tập trung, hay buồn ngủ;
  • Tình trạng thiếu máu, thiếu sắt nặng có thể dẫn đến hoa mắt chóng mặt, khó thở khi nô đùa, vận động mạnh;
  • Sút cân, rối loạn tiêu hóa, mắc các bệnh nhiễm trùng do hệ miễn dịch suy giảm.

2. Tác hại của thiếu sắt và thiếu máu dinh dưỡng

Thiếu sắt, thiếu máu gây ra những hệ lụy không mong muốn. Một số tác hại của thiếu sắt và thiếu máu dinh dưỡng gồm:

  • Đối với trẻ em: Tăng khả năng thiếu máu trong suy dinh dưỡng; khiến cho hệ miễn dịch của trẻ em yếu (dễ mắc các bệnh về đường ruột); hoạt động thể chất, trí tuệ kém; mất ngủ, kém tập trung, dễ bị kích thích.
  • Đối với thiếu nữ: Thiếu sắt, thiếu máu dinh dưỡng làm trí nhớ, nhận thức suy giảm; sức khỏe giảm sút, dễ bị thiếu máu trầm trọng khi mang thai.
  • Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú: Phụ nữ mang thai bị thiếu máu dễ sảy thai, sinh non người mẹ dễ bị tăng huyết áp và tai biến sản khoa khi sinh. Phụ nữ cho con bú thiếu sắt, thiếu máu dinh dưỡng sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, không đủ khả năng chăm con tốt; đặc biệt trẻ sơ sinh có nguy cơ thiếu máu dinh dưỡng.

  • Đối với nam giới: Cảm thấy mệt mỏi, sức khỏe sinh sản giảm sút.
  • Đối với người lao động: Người lao động bị thiếu máu, thiếu sắt thường dễ mệt mỏi, khả năng và năng suất lao động thấp.
  • Đối với người già: Thiếu sắt, thiếu máu dinh dưỡng ở người già làm nặng thêm căn bệnh mất trí nhớ

Bên cạnh đó, thiếu sắt, thiếu máu dinh dưỡng có thể khiến cho tim đập nhanh, da bị nhăn nheo, móng tay mỏng đi và tóc dễ bị rụng.

3. Phòng ngừa thiếu sắt và thiếu máu dinh dưỡng

Từ những tác hại của thiếu sắt và thiếu máu dinh dưỡng, mọi người cần chủ động phòng tránh tình trạng này bằng cách:

  • Bổ sung sắt bằng viên uống sắt theo hướng dẫn: Phụ nữ có thai uống viên sắt từ khi phát hiện có thai cho đến 1 tháng sau đẻ, mỗi ngày 1 viên; thiếu nữ uống mỗi tuần một viên (uống cố định 1 ngày trong mỗi tuần), tối thiểu uống liên tục trong 4 tháng/ năm;
  • Vệ sinh môi trường, cá nhân và gia đình thường xuyên sạch sẽ.
  • Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
  • Ăn chín, uống sôi; ăn thức ăn có chứa nhiều sắt và chất dinh dưỡng như thịt, phủ tạng, trứng, cá, thủy sản,… và thức ăn giàu vitamin C
  • Tẩy giun định kỳ.

Xử lý phân hợp vệ sinh; không sử dụng phân tươi trong sản xuất nông nghiệp.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec