Chi tiết bài viết

Tại sao thiếu vitamin A gây bệnh quáng gà?

Vitamin A là một vi chất có vai trò quan trọng đặc biệt đối với tất cả các cơ quan trong cơ thể . Nếu thiếu vitamin A, bạn sẽ dễ bị các bệnh về mắt trong đó có bệnh quáng gà.

1. Tại sao cơ thể lại thiếu vitamin A?

Thiếu vitamin A chỉ xảy ra khi lượng vitamin A ăn vào không đủ và vitamin A dự trữ tại gan bị hết. Nguyên nhân gây thiếu vitamin A có thể là:

  • Do khẩu phần ăn thiếu hụt vitamin A: Đa số phụ nữ đều sợ mỡ, nhưng bữa ăn thiếu mỡ làm giảm hấp thu vitamin A (vì vitamin A tan trong chất béo). Sữa mẹ là nguồn vitamin A quan trọng của trẻ. Nếu trẻ không được bú mẹ rất dễ thiếu vitamin A.
  • Bệnh nhiễm khuẩn: Một số bệnh có liên quan tới thiếu vitamin A có thể kể đến như sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp và nhiễm giun nặng, nhất là nhiễm giun đũa. Nhu cầu sử dụng vitamin A tăng cao khi bị bệnh sởi nên có thể gây thiếu vitamin A vì khi mắc sởi. Tiêu chảy làm giảm hấp thụ vitamin A tại ruột. Cả tiêu chảy cấp và nhiễm khuẩn hô hấp cũng có thể gây mất vitamin A qua phân và nước tiểu.
  • Nhiễm ký sinh trùng: Nhiễm ký sinh trùng đường ruột nhất là nhiễm giun đũa làm giảm khả năng hấp thu vitamin A. Tẩy giun sẽ cải thiện tình trạng thiếu vitamin A trong cơ thể.
  • Suy dinh dưỡng: Trẻ em bị suy dinh dưỡng thường có thiếu vitamin A. Thiếu protein một số vi chất khác như kẽm sẽ ảnh hưởng tới chuyển hóa, vận chuyển và sử dụng vitamin A trong cơ thể.

2. Bệnh quáng gà do thiếu vitamin A

Quáng gà (XN): Là hiện tượng thị lực bị giảm trong điều kiện thiếu ánh sáng. Đây là biểu hiện sớm nhất của bệnh khô mắt do thiếu vitamin A. Phụ huynh có thể chú ý các biểu hiện để phát hiện bệnh cho trẻ: Thường vào lúc chập choạng tối đứa trẻ trở nên nhút nhát, chỉ ngồi yên tại chỗ, không dám đi lại; trẻ lớn thường phải lần tường khi đi lại và hay va vấp vào những đồ vật trên lối đi và hay bị vấp ngã; trẻ không biết tìm nhặt đồ chơi, không cầm lấy đúng thức ăn khi mẹ đưa cho.

Cần phân biệt bệnh nhân bị quáng gà với bệnh nhân nhãn khoa khác không do thiếu vitamin A (chẩn đoán phân biệt bằng điều trị thử vitamin A). Quáng gà do thiếu vitamin A khi được điều trị bằng vitamin A liều cao sẽ khỏi sau 2-3 ngày.

3. Nguyên nhân thiếu vitamin A gây bệnh quáng gà

Vitamin A có vai trò tạo sắc tố võng mạc giúp điều tiết mắt, giúp mắt có khả năng nhìn được trong điều kiện thiếu ánh sáng.

Trong bóng tối vitamin A (cis-retinal) kết hợp với opsin (là một protein tạo nên sắc tố võng mạc rhodopsin) làm sắc tố ở võng mạc mắt nhạy cảm với ánh sáng có cường độ thấp, giúp mắt nhìn được trong điều kiện thiếu ánh sáng. Khi tiếp xúc với ánh sáng, rhodopsin lại bị phân huỷ cho opsin và trans-retinal, rồi trans-retinal vào máu để trở lại cis-retinol. Do đó nếu cơ thể thiếu Vitamin A khả năng nhìn trong bóng tối giảm gây bệnh quáng gà. Nếu không được điều trị kịp thời, khả năng bị mù lòa sẽ rất cao.

Ngoài ra, vitamin A còn giúp mắt tổng hợp và ổn định lớp mucin giúp nước mắt dính chặt vào bề mặt giác mạc, đồng thời hỗ trợ tổng hợp chất nhờn trong mắt và thúc đẩy quá trình lành biểu mô. Hai cơ chế này giúp phục hồi các tế bào biểu mô giác mạc và sửa chữa những hư hỏng ở lớp mucin, giúp cải thiện tình trạng khô mắt và điều chỉnh thị lực.

4. Vai trò của vitamin A

  • Vitamin A có vai trò trong quá trình tăng trưởng của bé
  • Vitamin A tham gia vào khả năng nhìn của mắt trong điều kiện ánh sáng yếu. Giúp ngăn ngừa bệnh quáng gà – dấu hiệu sớm của thiếu vitamin A.
  • Vitamin A giúp bảo vệ tính toàn vẹn của biểu mô giác mạc mắt, các tổ chức biểu mô dưới da, khí quản, các tuyến nước bọt, ruột non, tinh hoàn… Khi thiếu vitamin A, sản xuất các niêm mạc giảm, da bị khô và sừng hóa, biểu hiện này thường thấy ở mắt, lúc đầu là khô kết mạc rồi tổn thương đến giác mạc. Các tế bào biểu mô bị tổn thương đồng thời với sự giảm sút sức đề kháng tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập.
  • Vitamin A làm tăng khả năng đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật. Nếu thiếu vitamin A, trẻ em dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn; khi bị mắc bệnh, thời gian bệnh kéo dài hơn, nguy cơ tử vong cao hơn.

5. Thiếu vitamin A dẫn đến hậu quả gì?

  • Thiếu vitamin A làm trẻ em chậm lớn.
  • Thiếu vitamin A làm giảm sức đề kháng cơ thể đối với bệnh tật: Dễ bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn nặng, đặc biệt là các nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường tiêu hóa và sởi.
  • Ở mức độ thiếu vitamin A nặng sẽ gây nên các tổn thương ở mắt – “khô mắt”, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả mù vĩnh viễn.

6. Phòng thiếu vitamin A bằng cách nào?

6.1. Cải thiện bữa ăn giàu vitamin A

Ngoài sữa mẹ, chế độ ăn của trẻ cần có thức ăn giàu vitamin A như:

  • Thức ăn nguồn gốc động vật: Trứng, cá, thịt, gan, tôm…

  • Thức ăn nguồn gốc thực vật: Ở nước ta, các loại rau có hàm lượng carotene đáng chú ý là rau muống, xà lách, rau ngót, rau diếp, rau dền, hành lá, rau thơm, các loại củ quả như gấc, cà rốt, quả chín như đu đủ, xoài…
  • Bổ sung thêm dầu, mỡ trong chế độ ăn hàng ngày để hỗ trợ hấp thu vitamin A.

6.2. Bổ sung vitamin A liều cao

Bổ sung vitamin A liều cao được áp dụng cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao. Những đối tượng này được uống vitamin A định kỳ, thông thường 6 tháng một lần.

Đối tượng được bổ sung vitamin A: bổ sung vitamin A 6 tháng một lần cho trẻ 6-36 tháng tuổi (có thể mở rộng đến 60 tháng tuổi); các bà mẹ sau sinh 1 tháng.

Phác đồ bổ sung hiện tại như sau: Trẻ 6-36 tháng được uống viên nang 200.000 IU (đơn vị quốc tế) 2 lần/năm (đối với trẻ dưới 12 tháng cho uống viên nang 100.000 IU 1 lần/năm).

Các trường hợp mắc bệnh từ quáng gà, khô kết mạc, vệt Bitot đến khô loét giác mạc đều được cấp tốc điều trị theo phác đồ của Tổ chức Y tế Thế Giới như sau:

  • Liều ngay lập tức: cho uống 200.000 IU vitamin A.
  • Ngày hôm sau: uống 200.000 IU vitamin A.
  • Một tuần sau: uống 200.000 IU vitamin A.

Trẻ dưới 12 tháng dùng nửa liều trên (uống 100.000 IU vitamin A).

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec