Chi tiết bài viết

Thủy ngân và ảnh hưởng tới sức khỏe

Nhiễm độc thủy ngân ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, gây độc cho hệ hô hấp, viêm thận, bệnh nhân nôn ra máu, toàn thân suy kiệt, thậm chí có nguy cơ tử vong trong vòng 24 – 36 giờ.

1. Những thông tin quan trọng về thủy ngân

  • Thủy ngân (Mercury) là một nguyên tố kim loại, xuất hiện trong tự nhiên, được tìm thấy trong không khí, nước và đất;
  • Tiếp xúc với thủy ngân dù chỉ một lượng nhỏ cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, là mối đe dọa đối với sự phát triển của thai nhi và giai đoạn đầu đời của trẻ;
  • Nhiễm độc thủy ngân gây hại đến hệ thần kinh, tiêu hóa, miễn dịch, ảnh hưởng tới phổi, thận, da và mắt;
  • Thủy ngân đã được WHO liệt kê trong mười loại hóa chất hoặc nhóm hóa chất có ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến sức khỏe cộng đồng;
  • Con người chủ yếu tiếp xúc với thủy ngân dưới dạng methyl của nó (Methylmercury). Đây là một hợp chất hữu cơ có trong một số loài cá và động vật giáp xác;
  • Một dạng khác của thủy ngân là ethylmercury. Ethylmercury được sử dụng làm chất bảo quản trong một số loại vắc-xin và không gây nguy hiểm cho sức khỏe.

2. Thủy ngân là gì?

Thủy ngân là nguyên tố hóa học thuộc nhóm kim loại, ở thể lỏng, có ký hiệu “Hg” và số nguyên tử 80. Thủy ngân trong tự nhiên có thể tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau: Nguyên tố kim loại, dạng vô cơ (là dạng gây hại cho những người làm các ngành nghề có nguy cơ tiếp xúc với chất độc hại như công nhân trong nhà máy hóa chất) và dạng hữu cơ (ví dụ như methylmercury, là chất mà mọi người có thể tiếp xúc thông qua việc ăn uống). Với những dạng khác nhau của thủy ngân, mức độc tính và tác động xấu của chúng đối với sức khỏe con người cũng khác nhau.

Thủy ngân được tìm thấy trong tự nhiên bên trong lớp vỏ trái đất. Thủy ngân được giải phóng ra môi trường từ hoạt động của núi lửa, phong hóa đá và tác động từ con người. Trong đó, hoạt động sản xuất của con người là nguyên nhân chính khiến cho thủy ngân thải ra môi trường, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện, lò than, đốt than dân dụng để sưởi ấm và nấu ăn, trung tâm công nghiệp, lò đốt chất thải và là hậu quả do việc khai thác thủy ngân, vàng và một số kim loại khác.

Trong môi trường tự nhiên, thủy ngân có thể bị vi khuẩn tác động và chuyển thành dạng methylmercury. Methylmercury gây ra hiện tượng tích lũy sinh học trong cơ thể của cá và động vật giáp xác (tích lũy sinh học xảy ra khi sinh vật sống có chứa một chất với nồng độ cao hơn so với môi trường xung quanh). Methylmercury cũng gây ra sự tích lũy chất độc trong chuỗi thức ăn. Ví dụ, cá săn mồi lớn thường có hàm lượng thủy ngân cao do ăn phải nhiều loại cá nhỏ hơn đã nhiễm độc thủy ngân thông qua việc ăn các sinh vật phù du nhỏ hơn nữa.

Con người có thể tiếp xúc với thủy ngân dưới bất kỳ hình thức nào trong nhiều trường hợp khác nhau. Tuy nhiên, phơi nhiễm thủy ngân chủ yếu xảy ra thông qua việc ăn phải cá và sinh vật giáp xác bị nhiễm methylmercury. Ngoài ra, công nhân làm việc tại nhà máy công nghiệp cũng có thể hít phải hơi thủy ngân như một tai nạn nghề nghiệp. Việc nấu nướng và chế biến thức ăn không thể loại bỏ được thủy ngân.

3. Tiếp xúc với thủy ngân có độc không?

Tất cả chúng ta đều có nguy cơ tiếp xúc với thủy ngân. Hầu hết mọi người đều tiếp xúc với thủy ngân ở nồng độ thấp và không đáng kể, độc tính xuất hiện thường là do tiếp xúc trong thời gian dài liên tục. Tuy nhiên, một số người tiếp xúc với thủy ngân ở nồng độ cao, gọi là phơi nhiễm thủy ngân cấp tính (xảy ra chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, thường dưới một ngày). Ví dụ về hiện tượng phơi nhiễm cấp tính thủy ngân là khi xảy ra tai nạn nghề nghiệp, vỡ bóng đèn, cháy kho xưởng sản xuất.

Các yếu tố xác định việc tiếp xúc với thủy ngân có độc không, bao gồm:

  • Loại thủy ngân;
  • Liều lượng hoặc nồng độ tiếp xúc;
  • Độ tuổi hoặc giai đoạn phát triển của nạn nhân (thai nhi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất);
  • Thời gian tiếp xúc;
  • Đường tiếp xúc (như hít, uống hoặc tiếp xúc trực tiếp với da).

Nói chung, thủy ngân có độc không tùy thuộc vào những yếu tố nguy cơ kể trên. Có 2 nhóm đối tượng rất nhạy cảm với tác động của thủy ngân là thai nhi và người phơi nhiễm mãn tính.

Thai nhi là đối tượng đầu tiên dễ bị ảnh hưởng nhất. Phơi nhiễm cấp tính methylmercury trong bụng mẹ có thể là hậu quả do việc ăn cá và động vật giáp xác của người mẹ. Nhiễm độc thủy ngân cấp tính gây ảnh hưởng xấu đến não bộ và hệ thần kinh đang phát triển của em bé. Ảnh hưởng sức khỏe chủ yếu của methylmercury đối với thai nhi là làm suy giảm sự phát triển thần kinh. Cụ thể, khả năng tư duy, nhận thức, trí nhớ, sự chú ý, khả năng ngôn ngữ, các kỹ năng liên quan đến không gian và thị giác của trẻ đều có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhóm nạn nhân thứ hai là những người thường xuyên tiếp xúc (phơi nhiễm mãn tính) với thủy ngân trong thời gian dài (như những người sinh sống dựa vào nghề đánh bắt cá, những công nhân làm trong nhà máy hoặc các hộ dân cư xung quanh khu công nghiệp, gần khu vực xả thải).

4. Thủy ngân độc hại như thế nào?

Thủy ngân gây độc chủ yếu ở hệ thần kinh trung ương và ngoại biên. Hít phải hơi thủy ngân có thể gây hại cho hệ thần kinh, tiêu hóa và miễn dịch, độc phổi và thận, nguy cơ dẫn đến tử vong. Dạng muối vô cơ của thủy ngân gây ăn mòn da, mắt, đường tiêu hóa và thận.

Rối loạn thần kinh và sự xáo trộn về hành vi xảy ra sau khi nạn nhân hít, ăn phải hoặc tiếp xúc trực tiếp với da các dạng khác nhau của thủy ngân. Tuy nhiên, thủy ngân độc hại như thế nào còn tùy vào những yếu tố khác nhau khi tiếp xúc. Các triệu chứng thường gặp do nhiễm độc thủy ngân bao gồm run, mất ngủ, giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến thần kinh cơ, đau đầu và rối loạn chức năng nhận thức và vận động. Những biểu hiện nhẹ và dấu hiệu cận lâm sàng do nhiễm độc thủy ngân có thể xuất hiện đối với những công nhân tiếp xúc với nồng độ thủy ngân trong không khí từ 20 μg/m3 trở lên trong thời gian vài năm. Tác động có hại trên thận cũng đã được báo cáo, bao gồm tăng protein trong nước tiểu và suy thận.

5. Làm thế nào để giảm tiếp xúc với thủy ngân?

Có một số cách để ngăn ngừa ảnh hưởng xấu của thủy ngân đến sức khỏe, bao gồm việc thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng sạch, không sử dụng thủy ngân trong khai thác vàng, ngừng khai thác thủy ngân và loại bỏ các sản phẩm chứa thủy ngân không cần thiết.

5.1. Thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch

Đốt than để lấy năng lượng và nhiệt là nguồn chủ yếu thải ra thủy ngân. Thủy ngân và các chất gây ô nhiễm không khí sẽ bị thải ra môi trường trong quá trình đốt than trong các nhà máy nhiệt điện, nồi hơi công nghiệp và bếp lò trong gia đình.

5.2. Ngừng việc khai thác thủy ngân và không sử dụng thủy ngân trong khai thác vàng

Thủy ngân là chất không thể bị phá hủy. Vì tính chất này, thủy ngân đã được ứng dụng trong quy trình tái chế cho các mục đích khác, do đó không cần khai thác thủy ngân nữa. Sử dụng thủy ngân trong khai thác vàng với quy mô nhỏ có nguy cơ dẫn đến nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Các phương pháp khai thác vàng không dùng thủy ngân (ngoại trừ xyanua) cần được ứng dụng rộng rãi hơn. Khi sử dụng thủy ngân vào quy trình công nghiệp, nhất thiết phải sử dụng các biện pháp an toàn để ngăn ngừa phơi nhiễm.

5.3. Loại bỏ và xử lý các sản phẩm chứa thủy ngân không cần thiết

Thủy ngân có mặt trong rất nhiều sản phẩm xung quanh chúng ta, bao gồm:

  • Pin
  • Các thiết bị đo lường, chẳng hạn như nhiệt kế và áp kế
  • Công tắc điện và rơle trong thiết bị điện
  • Bóng đèn
  • Hỗn hống dùng trong nha khoa để trám răng (amalgam)
  • Sản phẩm làm sáng da và một số loại mỹ phẩm
  • Một số dược phẩm

Hiện nay, các nhà sản xuất đang cố gắng giảm mức thủy ngân trong các sản phẩm hoặc loại bỏ các sản phẩm có chứa thủy ngân. Trong chăm sóc sức khỏe, nhiệt kế và máy đo huyết áp có chứa thủy ngân đang được thay thế bằng các thiết bị khác.

Hỗn hống nha khoa được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới. Các nhà khoa học đang thực hiện nghiên cứu và phát triển các giải pháp thay thế hiệu quả đối với loại vật liệu này cả về chi phí và chất lượng.

Thủy ngân dạng vô cơ được thêm vào một số sản phẩm làm sáng da với liều lượng đáng kể nhằm đáp ứng một vài mục đích nhất định. Nhiều quốc gia đã cấm dùng các sản phẩm làm sáng da có chứa thủy ngân vì chúng nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Những tác động bất lợi của thủy ngân đối với sức khỏe con người đã trở thành mối quan tâm với chính phủ các nước. Hiện nay, các quốc gia đã và đang nỗ lực thực hiện một loạt các hành động khác nhau nhằm giải quyết lượng thủy ngân thải ra không khí và hạn chế tối đa việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm có chứa thủy ngân.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec