Chi tiết bài viết

Tìm hiểu hiện tượng mề đay, phù mạch

Mề đay phù mạch là phản ứng đặc trưng bởi sự sưng nề của da và niêm mạc trong thời gian ngắn. Mề đay phù mạch có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

1. Mề đay phù mạch là gì?

Mề đay phù mạch còn được gọi là phù mạch, phù mạch mề đay, là phản ứng sưng nề của da và niêm mạc trong thời gian ngắn. Đây là bệnh có biểu hiện tương tự mề đay. Tuy nhiên, mề đay biểu hiện chủ yếu là phát ban, nổi sần ở vùng thượng bì và trung bì, còn phù mạch thường gây các khối sưng, đỏ ở vùng hạ bì, đi kèm đau và căng. Trong khi mề đay chỉ ảnh hưởng trên bề mặt da thì phù mạch có thể ảnh hưởng tới tất cả các cơ quan trên cơ thể, hay gặp nhất là ở môi và mắt. Trong trường hợp nặng, bệnh có thể gây phù đường hô hấp và tiêu hóa, dễ dẫn đến tử vong.

2. Nguyên nhân gây phù mạch mề đay

Nguyên nhân gây phù mạch phụ thuộc vào từng loại phù mạch khác nhau. Cụ thể là:

  • Phù mạch dị ứng cấp tính: Thường xảy ra cùng với mề đay sau khoảng 1 – 2 giờ tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Nguyên nhân gây ra tình trạng này chủ yếu là dị ứng thức ăn (hải sản, trứng, sữa, đậu phộng,…), phấn hoa, thuốc (Penicillin, vắc xin, thuốc chống viêm không steroid,…), côn trùng đốt, dị ứng chất cản quang, hạt latex,…;
  • Phù mạch do thuốc: Là phản ứng do thuốc không theo cơ chế dị ứng, có thể khởi phát nhiều ngày sau lần dùng thuốc đầu tiên. Nguyên nhân gây phù mạch do thuốc là do bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc như thuốc ức chế men chuyển hay một loạt hiệu ứng của các sản phẩm kinin, chất chuyển hóa của axit arachidonic và nitricoxide;
  • Phù mạch tự phát: Thường là dạng mạn tính, tái phát và xảy ra cùng với mề đay. Nguyên nhân gây phù mạch tự phát hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng có khoảng 30 – 50% các trường hợp mề đay phù mạch tự phát là do các rối loạn tự miễn, bao gồm lupus ban đỏ hệ thống;
  • Phù mạch có tính chất di truyền: Là một bệnh di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường, khá hiếm gặp. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là bất thường về gen gây thiếu hụt các protein bình thường trong máu;
  • Thiếu hụt chất ức chế C1 mắc phải: Do u lympho hoặc cơ thể có kháng thể chống lại chất ức chế C1.

Do các nguyên nhân này, các chất như bradykinin gây giãn mạch, tăng tính thấm, rỉ dịch qua thành mạch, dẫn tới phù mạch mề đay.

3. Triệu chứng mề đay phù mạch

  • Họng, lưỡi, môi, mí mắt, bàn tay, bàn chân và cơ quan sinh dục có thể bị sưng nề;
  • Da sưng nề, nhạy cảm và đau đớn. Một điểm sưng có thể xuất hiện trong 1 – 2 ngày, sau đó lan sang các kiểm khác, kéo dài vài ngày và có thể trở thành mạn tính;
  • Phù mạch ở họng và lưỡi có thể gây khó thở, thậm chí gây ngạt thở và tử vong;
  • Phù mạch ở đường tiêu hóa gây đau bụng, tiêu chảy;
  • Bệnh nhân phù mạch di truyền có thể bị đau đầu, mất cân bằng thị giác, lo lắng.

4. Phương pháp chẩn đoán mề đay phù mạch

  • Dựa vào bệnh sử, tiền sử gia đình, tiền sử dị ứng;
  • Kiểm tra vùng da bị sưng và độ nhạy cảm của chỗ sưng;
  • Thử nghiệm lấy da để xác định dị nguyên;
  • Xét nghiệm nồng độ và chức năng các protein đặc hiệu trong máu nếu nghi ngờ phù mạch di truyền.

5. Điều trị phù mạch mề đay

Tùy thuộc nguyên nhân mắc bệnh, cơ địa của bệnh nhân và mức độ nặng của bệnh, bác sĩ sẽ đề nghị phương pháp điều trị phù mạch phù hợp. Cụ thể là:

  • Trường hợp phù mạch đường hô hấp: Cần sơ cứu đường thở, đưa bệnh nhân nhập viện cấp cứu;
  • Trường hợp phù mạch nhẹ: Điều trị tương tự mề đay và các phản ứng dị ứng khác. Cụ thể, có thể chườm túi lạnh cho bệnh nhân. Việc dùng thuốc bôi hoặc kem dưỡng da không phát huy nhiều tác dụng vì chúng khó thấm sâu vào lớp hạ bì;
  • Trường hợp phù mạch kéo dài: Tiêm dưới da Adrenalin, liệu pháp Corticosteroid toàn thân, liệu pháp kháng histamin toàn thân. Nếu bệnh không đáp ứng với thuốc kháng histamin có thể sử dụng cyclosporine, thuốc kháng IgE (Omalizumab). Ngoài ra, có thể sử dụng các biện pháp khác như lọc huyết tương hay dùng immunoglobulin tĩnh mạch. Mục tiêu điều trị phù mạch mạn tính là giảm ngứa, đau, sưng nề, giúp bệnh nhân duy trì các hoạt động hằng ngày;
  • Liệu pháp điều trị khác: Tiêm tĩnh mạch yếu tố ức chế C1, dùng các thuốc ức chế bradykinin hoặc kallikrein, dùng các thuốc đồng hóa steroid (như stanozolol, oxandrolone và danazol) để làm tăng nồng độ chất ức chế C1, acid tranexamic sử dụng ở trẻ em trước tuổi dậy thì để điều trị phù mạch di truyền loại 3.

6. Biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn diễn tiến của phù mạch mề đay

  • Tránh các yếu tố gây phù mạch dị ứng như thức ăn, một số loại thuốc, hóa chất,…;
  • Chườm túi lạnh lên vùng da bị sưng nề;
  • Dùng thuốc theo đúng liều lượng được chỉ định bởi bác sĩ;
  • Sau khi điều trị bằng thuốc, nếu bệnh không thuyên giảm, cần liên hệ với bác sĩ để được thăm khám, tư vấn thêm.

Phù mạch mề đay cần được phát hiện sớm để điều trị kịp thời, hiệu quả. Vì vậy, khí có triệu chứng cảnh báo bệnh gồm sưng da, nóng đỏ,… bệnh nhân nên đến bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec