Chi tiết bài viết

Trẻ có thể tử vong nếu mất nước nhiều do tiêu chảy

Bệnh tiêu chảy ở trẻ em tùy theo nguyên nhân sẽ có những dấu hiệu và phác đồ điều trị khác nhau. Tuy nhiên, nếu trẻ mắc phải căn bệnh này mà không được điều trị, bù nước và điện giải kịp thời thì sẽ dẫn đến mất nước do tiêu chảy, li bì, trụy tim mạch và có thể tử vong.

1. Dấu hiệu mất nước do tiêu chảy ở trẻ

Tiêu chảy ở trẻ là tình trạng đi ngoài phân lỏng hoặc toé nước ≥ 3 lần trong 24 giờ. Trường hợp trẻ bị tiêu chảy cấp thì đợt tiêu chảy sẽ kéo dài không quá 14 ngày.

Bệnh tiêu chảy ở trẻ em khá phổ biến, căn bệnh này có thể điều trị và không ảnh hưởng gì đến quá trình phát triển của trẻ, tuy nhiên, trong trường hợp không được điều trị theo đúng phác đồ thì có thể dẫn đến trẻ mất nước do tiêu chảy và nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

1.1 Dấu hiệu trẻ mất nước do tiêu chảy từ 1 tuần – 2 tháng tuổi

Trường hợp mất nước nặng khi mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ em:

  • Li bì, mắt trũng, khó đánh thức
  • Nếp véo da mất rất chậm

Trường hợp có mất nước khi mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ em:

  • Vật vã, kích thích
  • Mắt trũng
  • Nếp véo da mất rất chậm

1.2 Dấu hiệu trẻ mất nước do tiêu chảy từ 2 tháng – 5 tuổi

Trường hợp mất nước nặng khi mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ em:

  • Li bì, mắt trũng, khó đánh thức
  • Không uống được nước hoặc uống kém
  • Nếp véo da mất rất chậm

Trường hợp có mất nước khi mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ em:

  • Vật vã, kích thích
  • Mắt trũng
  • Khát, uống nước, háo hức
  • Nếp véo da mất rất chậm

2. Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy ở trẻ

  • Rotavirus là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe dọa tử vong ở trẻ dưới 2 tuổi.
  • Vi khuẩn: E.coli, Shigella, Tả, Campylobacter Jejuni , Salmonella…
  • Ký sinh trùng: Giardia, Cryptosporodia, amip
  • Các nhiễm trùng khác: NK hô hấp, NK tiết niệu, Viêm màng não,…
  • Tiêu chảy cấp do thuốc, thức ăn, dị ứng,…

Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ tiêu chảy cấp ở trẻ em bao gồm:

  • Tuổi: 80% trẻ bị tiêu chảy < 2 tuổi, lứa tuổi cao nhất từ 6-18 tháng .
  • Trẻ mắc một số bệnh gây giảm miễn dịch: SDD, sau sởi, HIV/AIDS…
  • Tập quán làm tăng nguy cơ tiêu chảy cấp:
  1. Cho trẻ bú chai hoặc không nuôi con bằng sữa mẹ trong 4-6 tháng đầu
  2. Cai sữa quá sớm
  3. Thức ăn bị ô nhiễm
  4. Nước uống bị ô nhiễm hoặc không đun chín
  5. Không rửa tay trước khi ăn
  6. Mùa: Mùa hè các bệnh tiêu chảy do nhiễm khuẩn cao, mùa đông tiêu chảy thường do Rotavirus.

3. Dấu hiệu tiêu chảy ở trẻ cần đến bệnh viện ngay

  • Trẻ đi ngoài nhiều lần, phân nhiều nước hơn.
  • Khát nhiều.
  • Sốt hoặc sốt cao hơn.
  • Phân nhày máu mũi.
  • Nôn tất cả mọi thứ
  • Không chịu ăn

4. Trẻ có thể tử vong nếu mất nước nhiều do tiêu chảy

Trẻ có thể tử vong nếu mất nước do tiêu chảy mà không được cấp cứu kịp thời, mặc dù đây là căn bệnh có thể điều trị nhưng cha mẹ tuyệt đối không được chủ quan khi con em mình mắc bệnh tiêu chảy. Nếu thấy trẻ mất nước do tiêu chảy thì cần đưa đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị tiêu chảy kịp thời.

4.1 Phác đồ A điều trị trẻ mất nước do tiêu chảy

  • Điều trị những trường hợp tiêu chảy ở trẻ em chưa có biểu hiện mất nước. Số lượng uống: Cho trẻ uống nước sau mỗi lần đi ngoài với số lượng nước như sau:
  • Dung dịch ORESOL (ORS) áp lực thẩm thấu thấp là tốt nhất
  • Cách cho uống:
  1. Trẻ < 2 tuổi, cho uống từng thìa, trẻ lớn cho uống từng ngụm một bằng cốc hoặc bằng bát.
  2. Trẻ bị nôn, dừng lại đợi 5-10 phút sau lại tiếp tục cho uống.

4.2 Phác đồ B điều trị trẻ mất nước do tiêu chảy

  • Điều trị các trường hợp mất nước vừa và nhẹ, cho bệnh nhi uống ORS dựa theo cân nặng hay tuổi (nếu không cân được)
  • Lượng ORS cho uống trong 4 giờ đầu (ml):
  • Số lượng nước (ml) = Cân nặng bệnh nhi x 75 ml.
  • Cách cho uống:
  1. Trẻ nhỏ 2 tuổi thì cho uống từng thìa, cứ 1 -2 phút cho uống 1 thìa, đối với trẻ lớn cho uống từng ngụm bằng chén.
  2. Nếu trẻ nôn cho ngừng uống 10 phút sau đó cho uống chậm hơn.
  3. Sau 4 giờ đánh giá lại tình trạng mất nước; nếu hết dấu hiệu mất nước ở trẻ thì chuyển sang phác đồ A, trẻ còn dấu hiệu mất nước ở trẻ vừa và nhẹ thì tiếp tục theo phác đồ B. Nếu nặng lên thì chuyển sang phác đồ C .

4.3 Phác đồ C điều trị trẻ mất nước do tiêu chảy

  • Áp dụng trong những trường hợp mất nước nặng
  • Truyền tĩnh mạch ngay 100ml/kg dung dịch Ringe Lactate (hoặc dung dịch muối sinh lý) chia số lượng và thời gian như sau:
Tuổi Lúc đầu 30ml/kg trong Sau đó 70ml/kg trong
<12 tháng 1 giờ 5 giờ
Bệnh nhân lớn hơn 30 phút 2 giờ 30 phút

 

  • Cứ 1 -2 giờ đánh giá lại bệnh nhân. Lại truyền một lần nữa với số lượng và thời gian tương tự nếu mạch quay còn yếu hoặc không bắt được. Nếu tình trạng mất nước không tiến triển tốt thì truyền nhanh hơn.
  • Ngay khi bệnh nhân có thể uống được, cho uống ORS (5ml/kg/giờ).
  • Nếu không truyền được, đặt ống thông dạ dày cho ORS với số lượng 20ml/kg/giờ (tổng số 120ml/kg)
  • Cho ăn trở lại ngay khi trẻ có thể ăn được như tiếp tục bú mẹ hoặc cho trẻ ăn các thức ăn giàu dinh dưỡng

4.4 Điều trị hỗ trợ trẻ mất nước do tiêu chảy

  • Bổ sung kẽm trong điều trị tiêu chảy cấp:
  1. Trẻ 1 – < 6 tháng tuổi: 10mg/ngày x 10 – 14 ngày
  2. Trẻ ≥ 6 tháng tuổi: 20mg/ngày x 10 – 14 ngày
  • S. Boulardii: 200 – 250mg/ngày x 5 – 6 ngày kết hợp với bù nước và điện giải đầy đủ.
  • Racecadotril: 1,5mg/kg/lần x 3 lần/ngày kết hợp với bù nước, điện giải đầy đủ và không dùng quá 7 ngày
  • Không sử dụng thuốc cầm nôn, cầm đi ngoài
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng: tiếp tục bú mẹ hoặc sữa trước đó, không pha loãng sữa, tránh carbohydrat

5. Đề phòng trẻ mất nước do tiêu chảy như thế nào?

Để phòng ngừa trẻ mất nước do tiêu chảy thì cần phải:

  • Nuôi con bằng sữa mẹ
  • Sử dụng vắc-xin phòng bệnh: Tiêm phòng đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Phòng đặc hiệu tiêu chảy bằng vắc-xin: Rotavirus, tả, thương hàn.
  • Sử dụng nguồn nước sạch cho vệ sinh và ăn uống
  • Thực hành an toàn vệ sinh thực phẩm khi chế biến hoặc bảo quản thức ăn.
  • Rửa tay thường xuyên khi chăm sóc trẻ
  • Sử dụng hố xí hợp vệ sinh

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec