Chi tiết bài viết

Tư thế ngủ có ảnh hưởng tới việc bị nghẹt mũi?

Nghẹt mũi là tình trạng các niêm mạc của một bên mũi bị ứ đầy trong khi niêm mạc ở bên đối diện lại như bị trống rỗng. Tình trạng nghẹt mũi về đêm, nghẹt mũi khi nằm ngủ diễn ra phổ biến ở nhiều người bị cảm cúm, gây khó chịu và ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ của người bệnh.

1. Tổng quan về chứng nghẹt mũi

Nghẹt mũi (còn được gọi là “chu kỳ mũi”) xảy ra khi các mạch máu và mô bên trong mũi bị phù lên. Hệ thần kinh sẽ điều khiển mũi theo chu kỳ để tác động vào từng bên cánh mũi. Chu kỳ mũi diễn ra vài lần trong ngày và thường chúng ta chỉ nhận ra sự hoạt động của nó khi bị ốm. Khi ở tình trạng sức khỏe bình thường, bạn sẽ không cảm nhận được sự thở mất cân xứng giữa 2 bên mũi. Tuy nhiên, khi bị mắc các bệnh như cảm lạnh, cảm cúm chu kỳ mũi sẽ khiến bạn bị nghẹt mũi. Thậm chí nghẹt mũi cả 2 bên nếu bạn bị nặng. Các chất nhầy thường khiến cho một bên lỗ mũi bị nghẹt thêm và khiến chúng ta nhận thức rõ rệt sự hoạt động của chu kỳ mũi.

2. Chứng nghẹt mũi về đêm

Tại một thời điểm nào đó, lượng không khí hít vào và thở ra ở một bên mũi sẽ nhiều hơn hẳn so với bên lỗ mũi còn lại. Lượng máu tập trung dồn vào một bên mũi sẽ gây tắc nghẽn mũi trong khoảng từ 3-6 giờ, sau đó mới chảy sang lỗ mũi bên kia. Khi người bệnh bị nghẹt mũi khi nằm ngủ trong thời gian dài, rất dễ dẫn tới các chứng đi kèm như căng nhức xoang, đau đầu, khó chịu, ho, đau tai, mất ngủ, khó ngủ….

Thường nghẹt mũi một bên phổ biến hơn hai bên do ta luôn có xu hướng thở một bên mạnh hơn bên còn lại, hai lỗ mũi cứ thay phiên nhau thở mạnh hơn chứ không cân bằng. Máu sẽ bị tắc nghẽn càng nhiều khi bạn ngủ nằm nghiêng đầu về phía bên mũi bị tắc.

Dù là nghẹt mũi một bên hay hai bên thì nghẹt mũi khi ngủ cũng rất khó chịu và gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như chất lượng giấc ngủ của bạn.

3. Nguyên nhân nghẹt mũi về đêm

  • Do ảnh hưởng bởi trọng lực: Theo cơ chế, niêm mạc mũi sẽ sản xuất ra chất nhầy và chảy xuống cổ họng và bị nuốt xuống cùng nước bọt. Tuy nhiên khi ở tư thế nằm, chất nhầy sẽ khó đi xuống mặt sau cổ họng hơn. Mặt khác, ta cũng có xu hướng nuốt ít hơn trong khi ngủ, do vậy chất nhầy có thể dễ dàng tích tụ trong cổ họng và phía sau của mũi dẫn đến nghẹt mũi. Ngoài ra, trọng lực cũng khiến lượng máu chảy vào mũi bị giảm đi khi ta nằm xuống, góp phần gây ra nghẹt mũi khi nằm ngủ.
  • Do bệnh lý mùa lạnh: Các bệnh như cảm lạnh, cảm cúm, viêm phổi, viêm phế quản cấp đều là những nguyên nhân gây ra nghẹt mũi. Khi ta nằm xuống chất nhầy trong mũi sẽ có xu hướng tăng nhiều hơn so với khi bạn đi đứng, di chuyển.
  • Do ảnh hưởng bởi không khí khô: Chứng đau nhức ở mũi có thể trầm trọng hơn do không khí khô. Khi không khí thiếu độ ẩm, niêm mạc mũi phải tăng tiết chất nhầy để giữ độ ẩm cho mũi, và chất nhầy nếu quá dư thừa có thể dẫn tới nghẹt mũi khi nằm ngủ.
  • Vách ngăn mũi lệch: Theo cấu tạo tự nhiên, vách ngăn mũi sẽ nằm ở chính giữa mũi. Tuy nhiên vì nhiều lý do vách ngăn mũi sẽ không nằm ở giữa mũi, gọi là tình trạng vách ngăn mũi bị lệch. Đối với trường hợp này, mũi sẽ không hoạt động như bình thường mà chất nhầy sẽ có xu hướng tích tụ ở phía mũi bị hẹp hơn dẫn đến tắc mũi, nhất là khi ta đang nằm ngủ.
  • Do bị ứng: Dị ứng cũng là một nguyên nhân gây nghẹt mũi khi nằm ngủ. Nguồn cơn gây dị ứng thường là phấn hoa, khói bụi, lông vật nuôi trong nhà… Dòng thuốc kháng histamin có thể giúp làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng. Tuy nhiên cách tốt nhất vẫn là khám sức khỏe và xác định nguyên nhân chính xác của dị ứng để tránh nó càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, việc thường xuyên thay gối và ga giường cũng giúp những người bị nghẹt mũi do dị ứng dễ ngủ về đêm hơn.

4. Các biện pháp xử lý

Khi bị nghẹt mũi, bạn thường có cảm giác khó chịu đặc biệt là khi về đêm. Để khắc phục tình trạng khó chịu và mất ngủ này, bạn có thể tham khảo một số cách giảm chứng nghẹt mũi khi nằm ngủ khá đơn giản như sau:

  • Chú ý đến tư thế nằm: Nằm ngửa là lựa chọn tốt nhất vì sẽ giúp chất nhầy chảy xuống cổ họng thay vì ứ đọng trong xoang mũi. Ngược lại tư thế nằm nghiêng có thể khiến 1 hoặc cả 2 lỗ mũi bị tắc hoàn toàn gây khó thở.
  • Khi nằm nên kê gối cao hơn bình thường để đầu và cổ tạo thành góc 15 độ với giường, giúp nằm ngủ dễ chịu hơn.
  • Nếu không khí quá khô có thể sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ. Khi độ ẩm không khí tăng lên sẽ khiến chất nhầy tích tụ trong mũi loãng ra và chảy ra ngoài, giúp mũi thông thoáng hơn.
  • Tắm nước nóng trước khi đi ngủ cũng giúp giảm nghẹt mũi nhờ hơi ẩm tỏa ra từ nước. Để tăng hiệu quả, trong khi tắm người bệnh có thể dùng khăn thấm ướt nước ấm và áp lên vùng trán, xoang mũi để hơi ẩm thẩm thấu vào bên trong.
  • Giữ ấm vùng mũi họng, hạn chế sử dụng máy lạnh, điều hòa hoặc để quạt thổi thẳng vào đầu mặt cổ khi ngủ.

Ngoài ra bạn cũng có thể phòng tránh hoặc giảm thiểu chứng ngạt mũi bằng việc chú ý tới những thói quen sinh hoạt sau:

  • Nên thường xuyên giặt ga trải giường, màn, gối, chăn chiếu để giảm bớt bụi và vi khuẩn, đây đều là tác nhân gây ngạt mũi.
  • Tránh những kích thích như khói thuốc, mùi nước hoa, rượu, những mùi quá nồng vì chúng khiến bạn khó chịu hơn. Khi ra đường nên đeo thêm khẩu trang và trời lạnh nên giữ ấm cơ thể.
  • Uống thật nhiều nước, dùng các thức uống lỏng (canh, nước ép, trà..v..v) để làm giảm bớt lượng dịch nhầy ở mũi.
  • Tránh ăn thực phẩm nhiều đường và bột vì chúng sẽ làm chứng nghẹt mũi thêm trầm trọng, thay vào đó nên ăn nhiều rau, cá và ngũ cốc nguyên chất.

Nếu áp dụng những cách trên mà tình trạng vẫn không cải thiện thì bạn nên đến khám chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán và đề ra hướng điều trị chính xác nhất. Chứng nghẹt mũi là điều rất bình thường và không có gì cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu tình trạng nghẹt mũi khi nằm ngủ gây ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng giấc ngủ thì bạn cần nhanh chóng khắc phục tình trạng này. Các cách chữa nghẹt mũi khi ngủ trên rất đáng thử vì chúng hoàn toàn tự nhiên dễ dàng áp dụng ngay tại nhà.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec