Chi tiết bài viết

Ung thư đại trực tràng có chữa khỏi được không?

Hiện nay phẫu thuật cắt bỏ là biện pháp điều trị chính cho người bệnh ung thư đại trực tràng. Ngoài ra điều trị theo phương thức kết hợp (hóa trị liệu, xạ trị, cắt bỏ khối di căn) làm tăng khả năng sống sót ở các ca bệnh chọn lọc.

1. Ung thư đại trực tràng

Đại trực tràng là phần cuối của ống tiêu hóa bao gồm 2 phần: đại tràng và trực tràng. Đại tràng gồm: manh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống và đại tràng Sigma

Ung thư đại tràng là loại ung thư phổ biến thứ ba trên thế giới thường hiếm gặp ở người dưới 40 tuổi. Các triệu chứng của bệnh không đặc hiệu và thường nhầm lẫn với bệnh đại trực tràng lành tính. Hiện nay phẫu thuật cắt bỏ là biện pháp điều trị chữa khỏi chính. Ngoài ra điều trị theo phương thức kết hợp (hóa trị liệu, xạ trị, cắt bỏ khối di căn) làm tăng khả năng sống sót ở các ca bệnh chọn lọc.

2. Các yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng

Phần lớn ung thư đại trực tràng là ung thư biểu mô tuyến phát sinh từ tế bào biểu mô. Khoảng 71% trường hợp ung thư đại trực tràng mới phát sinh từ đại tràng và 29% phát sinh từ trực tràng. Các loại khối u đại trực tràng ác tính ít gặp hơn là khối u carcinoid, khối u tế bào stroma đường tiêu hóa và u lympho. Tuổi cao là yếu tố nguy cơ lớn nhất của ung thư biểu mô tuyến đại trực tràng đơn phát với 99% trường hợp gặp ở người từ 40 tuổi trở lên.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư đại tràng là béo phì, tuổi cao. Đặc biệt những người có người thân như cha mẹ hay anh chị bị ung thư đại trực tràng thì có nguy cơ bị bệnh tăng lên 2 đến 3 lần. Đa phần các polyp khi phát hiện trong đại trực tràng là lành tính, nhưng hầu như tất cả ung thư đại trực tràng đều xuất phát từ polyp. Vì vậy khi phát hiện polyp đại tràng trong quá trình nội soi đại trực tràng đều có chỉ định cắt bỏ hoặc bấm sinh thiết để xác định bản chất của polyp đó.

3. Tầm soát ung thư đại trực tràng

Hiện nay trên thế giới không có quy tắc chung nào về tầm soát ung thư đại tràng. Theo khuyến cáo của Hiệp hội ung thư Mỹ thì nên xét nghiệm máu trong phân mỗi năm một lần, nếu có máu bầm trong phân hoặc đi cầu ra máu thì nên thực hiện nội soi đại tràng, nội sôi đại tràng nên thực hiện mười năm một lần, chụp CT scanner bụng năm năm một lần. Nếu trong gia đình có người thân bị ung thư đại trực tràng thì nên nội soi đại tràng năm năm một lần.

Ung thư đại trực tràng thường diễn tiến âm thầm với các triệu chứng không điển hình như: sút cân, đi cầu phân lẫn máu, rối loạn đi cầu như đi chảy hoặc táo bón dài ngày. Khi khối u lớn dần lên bệnh nhân sẽ có các biểu hiện bán tắc ruột và tắc ruột như: đau quặn bụng từng cơn, bụng chướng, buồn nôn và nôn sau ăn.

Để chuẩn đoán ung thư đại tràng cần dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ thì bác sĩ sẽ chỉ định nội soi đại tràng và Ct scanner ổ bụng để xác định vị trí khối u và mức độ xâm lấn. Ngoài ra trong quá trình nội soi bác sĩ sẽ bấm sinh thiết khối u để xác định bản chất của khối u đó.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec