Chi tiết bài viết

Vắc xin giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể như thế nào?

Hệ thống miễn dịch là một mạng lưới các tế bào, mô và cơ quan phối hợp với nhau để bảo vệ cơ thể khỏi các mầm bệnh gây hại. Khi vi khuẩn, vi rút và vi trùng khác xâm nhập cơ thể trẻ, chúng sẽ nhanh chóng nhân lên và tấn công cơ thể và gây ra bệnh. Hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ bảo vệ trẻ bằng cách chống lại vi trùng xâm nhập và tiêm vắc-xin là biện pháp miễn dịch chủ động đặc hiệu, nhằm kích thích cơ thể sinh ra kháng thể chống lại bệnh truyền nhiễm.

1. Hệ thống miễn dịch của trẻ hoạt động như thế nào?

Khi con bạn bị nhiễm bệnh, cơ thể bé dựa vào hệ thống miễn dịch để chống lại sinh vật xâm nhiễm. Các tế bào bạch cầu được kích hoạt và bắt đầu tạo ra các protein gọi là kháng thể để xác định vị trí của tác nhân lây nhiễm và tạo ra một cuộc tấn công các vi sinh vật xâm nhiễm cơ thể. Vào thời điểm này, vi sinh vật có thể đã có thời gian để gây ra một vài triệu chứng. Trong một số trường hợp, phản ứng kháng thể diễn ra quá muộn nên sinh vật xâm nhập đã gây nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng. Mặc dù vậy, bằng cách tấn công này, cuối cùng hệ thống miễn dịch và kháng thể của trẻ có thể giúp ngăn chặn nhiều bệnh nhiễm trùng và giúp con bạn khỏe lại.

Có một điểm quan trọng khác cần ghi nhớ về quá trình này. Ngay cả sau khi đã hoàn thành công việc, những kháng thể này vẫn không biến mất, nó vẫn ở trong dòng máu để luôn tìm kiếm sự trở lại của những vi sinh vật xâm nhiễm tương tự. Nếu những vi trùng này xuất hiện trở lại, dù là vài tuần hay nhiều năm sau, các kháng thể đã sẵn sàng để bảo vệ cơ thể trẻ. Kháng thể thường ngăn ngừa nhiễm trùng hoàn toàn hoặc ngăn chặn nhiễm trùng ngay cả trước khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Đó là lý do tại sao khi còn nhỏ nếu bạn bị quai bị hoặc sởi, bạn sẽ không bao giờ mắc lại, kể cả khi bạn có thường xuyên tiếp xúc với người mắc bệnh quai bị.

2. Vắc xin tăng cường hệ miễn dịch như thế nào?

Vắc xin là chế phẩm có chứa kháng nguyên (có thể là các vi rút hoặc vi khuẩn sống, giảm độc lực, hay bị bất hoạt, giết chết) dùng để kích thích cơ thể tạo miễn dịch, đặc hiệu chủ động, nhằm chống lại tác nhân gây bệnh. Khi tiêm vắc-xin, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ phát hiện ra các kháng nguyên này và phản ứng giống như khi xảy ra nhiễm trùng thực sự, kích thích hệ thống miễn dịch sản sinh ra kháng thể để trung hòa tác nhân gây bệnh, giống như nhiễm trùng tự nhiên. Vắc – xin khiến cơ thể nghĩ rằng nó đang bị tấn công và hệ thống miễn dịch tạo ra vũ khí (kháng thể) để bảo vệ khi nhiễm trùng thực sự trở thành mối đe dọa. Sau này, những kháng thể này vẫn còn trong cơ thể và sẵn sàng phản ứng nếu một sinh vật truyền nhiễm thực sự tấn công.

Đôi khi một liều vắc-xin là đủ để bảo vệ, nhưng thường cần nhiều hơn một liều. Một số kháng thể bảo vệ suốt đời, nhưng một số khác cần tiêm các mũi nhắc lại. Ví dụ, kháng thể sởi tồn tại suốt đời, nhưng kháng thể uốn ván có thể giảm xuống theo thời gian do đó bạn cần phải tiêm mũi nhắc lại. Một số loại virus như cúm có thể biến đổi đủ để làm cho các kháng thể hiện có trong cơ thể không có khả năng bảo vệ cơ thể, đó là lý do tại sao các chuyên gia khuyến cáo tất cả người dân cần tiêm vắc xin cúm hàng năm.

Ở những tháng đầu, trẻ sơ sinh miễn dịch với một số bệnh nhiễm trùng vì trẻ đã nhận được kháng thể từ mẹ. Nhưng khả năng miễn dịch đó bắt đầu giảm dần trong những tháng đầu đời và trẻ không nhận được bất kỳ khả năng miễn dịch nào từ mẹ để chống lại một số bệnh truyền nhiễm như ho gà và viêm gan. Vì lý do này, các bà mẹ cần tuân theo lịch tiêm chủng mà bác sĩ đã khuyến cáo.

2. Miễn dịch “tự nhiên” có tốt hơn không?

Nếu trẻ bị bệnh nhiễm trùng nào đó thì cơ thể trẻ có thể trở nên miễn nhiễm với bệnh nhiễm trùng đó trong tương lai, đây được gọi là khả năng miễn dịch “tự nhiên”.

Một số người tin rằng miễn dịch tự nhiên tốt hơn miễn dịch từ vắc-xin. Nhưng các biến chứng liên quan đến miễn dịch tự nhiên cao hơn nhiều so với các tác dụng phụ do tiêm vắc-xin gây ra. Một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong. Ví dụ, các biến chứng có thể xảy ra khi trẻ mắc sởi do không được tiêm vắc xin sởi như viêm não – màng não – tủy cấp, viêm loét giác mạc, viêm phế quản – phổi…

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec