Chi tiết bài viết

Vì sao lóc tách động mạch chủ lại nguy hiểm?

Lóc thành động mạch chủ hay còn được gọi là bóc tách động mạch chủ, đây được gọi là một thảm họa động mạch chủ với tần suất 5-30 trường hợp/ 1 triệu dân/1 năm. Với tỷ lệ tử vong khoảng 1%/mỗi giờ trong 48 giờ đầu. Vì sao lóc tách động mạch chủ lại nguy hiểm? hãy tìm hiểu qua bài viết sau đây.

1. Lóc tách động mạch chủ là gì?

Lóc thành động mạch chủ hay còn gọi là bóc tách động mạch chủ là một thảm họa động mạch chủ với tần suất 5-30 trường hợp/1 triệu dân/1 năm.

Đây là tình trạng bị vỡ lớp nội mạc và lớp trung mạc của động mạch chủ, máu len giữa các lớp động mạch và bóc tách chúng tạo nên lòng giả động mạch. Với áp lực của dòng máu các lớp động mạch sẽ tiếp tục bóc tách dọc theo động mạch và chúng có thể tiếp tục làm rách lớp nội mạc động mạch.

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc chẩn đoán và điều trị song bóc tách động mạch chủ vẫn là một bệnh lý chết người với tỷ lệ tử vong cao. Tới 21% các trường hợp tử vong trước khi nhập viện.

Nếu không được điều trị khoảng 23% trường hợp tử vong trong 6 giờ đầu, 50% tử vong trong 24 giờ, 68% tử vong trong 1 tuần. Con số dễ nhớ là tỷ lệ tử vong tăng xấp xỉ 1%/giờ trong vòng 48 giờ đầu.

2. Vì sao lóc tách động mạch chủ lại nguy hiểm?

Thành động mạch chủ được cấu tạo rất bền vững để đảm bảo chịu được áp lực cao, liên tục trong suốt cuộc đời của mỗi con người (chính là huyết áp động mạch). Các nhà giải phẫu bệnh đã tìm hiểu và cho thấy thành động mạch chủ được cấu tạo bởi 3 lớp tổ chức có tính chất mô học khác nhau (được đặt tên 3 lớp áo: ngoài, giữa và trong). Ba lớp này hòa quyện với nhau thành một tấm vững chắc chính là thành động mạch. Nếu vì một lý do nào đó phá hỏng cấu trúc thống nhất này, khả năng chịu lực bị đe dọa có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng khó lường.

Một trong những bệnh lý nguy hiểm nhất là lóc tách thành động mạch chủ: Lớp áo trong bị xé rách, dòng máu áp lực cao đi vào giữa các lớp làm thành động mạch bị tách làm đôi dẫn tới hậu quả như:

  • Vỡ gây ra tử vong do sốc mất máu (giống như vỡ đường ống nước chính)
  • Thiếu máu tại các cơ quan do mảng thành mạch bị tách ra lấp kín các lỗ vào của nhánh mạch nuôi.

3. Biến chứng nguy hiểm của lóc thành động mạch chủ

Lóc thành động mạch chủ có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:

  • Vỡ qua thành tự do của lòng giả: Thường có liên quan trực tiếp đến vết rách nguyên ủy: Vỡ vào khoang màng tim ép tim, vỡ vào khoang màng phổi, trung thất…
  • Hở van động mạch chủ cấp tính: Xuất hiện ở 50% các trường hợp lóc thành động mạch chủ lên, do lóc tách ở giữa các tổ chức chống đỡ cho van động mạch chủ, có thể dẫn tới suy tim ứ huyết nặng nề.
  • Chèn ép vào các nhánh động mạch quan trọng: Do lóc tách lan vào các nhánh bên hoặc mảng nội mạc rách ép vào lỗ xuất phát. Lâm sàng đa dạng: đột quỵ não, liệt hai chi dưới, tăng huyết áp do suy thận, thiếu máu tạng, nhồi máu cơ tim.
  • Phình giãn và vỡ thứ phát. Bệnh được gọi là “thảm họa” trong các bệnh tim mạch. Các yếu tố nguy cơ chính thường gặp gây lóc tách thành động mạch chủ là: Xơ vữa động mạch, rối loạn bẩm sinh tổ chức cấu tạo nên thành mạch và tăng huyết áp. Khi cộng gộp hai yếu tố: thành mạch yếu và tăng huyết áp sẽ là quả bom làm bùng phát lóc tách bất cứ lúc nào nếu không được phát hiện và điều trị.

4. Triệu chứng của lóc thành động mạch chủ

Triệu chứng lâm sàng gặp nhiều nhất chính là đau ngực, triệu chứng sốc mất máu khi biến chứng thành mạch vỡ thường khó cứu chữa; mất mạch cảnh, mạch chi khi lỗ vào các mạch này bị thương tổn, bệnh nhân có thể biểu hiện ở mức độ trầm trọng như liệt nửa người, hôn mê, thiếu máu cấp tính chi; thiếu máu các tạng trong ổ bụng gây triệu chứng đau trướng bụng cấp tính – biểu hiện này rất nguy hiểm do tình trạng hoại tử ruột thường dẫn đến tử vong.

Phẫu thuật lóc tách động mạch chủ rất nặng nề và kéo dài vì phải xử lý nhiều thương tổn nguy hiểm phối hợp. Hơn nữa, việc khâu nối phải thực hiện trên nền động mạch chủ có bệnh lý viêm mủn rất khó khăn. Thường thời gian để cầm máu các miệng nối là khá lâu, chảy máu sau mổ là một trong những nguyên nhân gây biến loạn nhiều nhất của phẫu thuật lóc tách động mạch chủ. Tỷ lệ tử vong, các loại tai biến của phẫu thuật thuộc loại cao nhất trong phẫu thuật tim, thời gian nằm viện kéo dài và thời gian hồi phục lâu, chi phí điều trị là rất lớn.

5. Phẫu thuật cấp cứu càng sớm càng tốt

Điều trị bệnh lóc tách động mạch chủ có nhiều phương pháp. Riêng đối với loại A phải chỉ định mổ cấp cứu không được trì hoãn. Phẫu thuật lóc tách động mạch chủ type A là một trong những phẫu thuật nặng nề, phức tạp nhất của mổ tim, có trường hợp phải phối hợp với đặt stent graft (được gọi là phương pháp hybrid) để giải quyết triệt để vết thương tổn. Bệnh nhân được gây mê toàn thân, cho ngủ thật sâu. Phẫu thuật viên sẽ phải thiết lập vòng tuần hoàn nhân tạo, lấy toàn bộ máu ra ngoài, dẫn vào hệ thống máy tim phổi nhân tạo để trao đổi oxy sau đó bơm lại vào cơ thể (qua đường mạch máu ngoại vi: mạch nách, đùi) để nuôi dưỡng các cơ quan trong quá trình phẫu thuật.

Tiếp đó phẫu thuật viên sẽ xẻ dọc xương ức, mở rộng lồng ngực để bộc lộ tim và động mạch chủ. Động mạch chủ ngực thương tổn và tim sẽ được biệt lập khỏi hệ thống tuần hoàn, một loại dung dịch đặc biệt được bơm vào hệ thống động mạch vành làm tim ngừng đập và bảo vệ cơ tim trong suốt thời gian mổ. Các chiến lược bảo vệ các cơ quan khác (não, thận, ruột…) cũng phải được tính toán rất kỹ lưỡng. Thương tổn được xử lý bao gồm: Thay hoặc sửa van tim, thay đoạn động mạch chủ ngực rách vỡ bằng mạch nhân tạo, cắm lại động mạch vành và các nhánh mạch nuôi cho não. Ca mổ kéo dài có thể tới hàng chục giờ đồng hồ, phải truyền rất nhiều máu và thuốc.

Để kết quả điều trị đạt hiệu quả tốt nhất, bạn cần thường xuyên nhắc nhở bệnh nhân kiểm tra sức khỏe định kỳ và điều trị từ khi có triệu chứng tụt huyết áp. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh nhất là tăng huyết áp. Khám tầm soát sớm nếu có các yếu tố nguy cơ trên và đi khám ngay nếu có các biểu hiện như đau ngực, ngất (xỉu), yếu liệt hay tê…

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec