Chi tiết bài viết

Viễn thị: Khi nào cần mổ?

Các nghiên cứu thống kê cho thấy, tỉ lệ mắc các tật khúc xạ đang tăng nhanh ở Việt Nam. Trong đó, tật khúc xạ viễn thị là một vấn đề thị giác phổ biến. Viễn thị không chỉ gặp ở người lớn mà ngay cả trẻ em vẫn có thể mắc phải, vì vậy nhu cầu phẫu thuật mắt điều trị viễn thị cũng tăng cao. Vậy viễn thị có mổ được không và khi nào nên mổ?

1. Thế nào là viễn thị?

Viễn thị (Hyperopia, Hypermetropia, Farsightedness) là một tật khúc xạ mà người bệnh có thể nhìn thấy những vật ở xa rất tốt, nhưng lại gặp khó khăn khi tập trung vào những vật ở gần. Viễn thị là sự sai lệch về khúc xạ, khi mắt ở trạng thái nghỉ ngơi, các tia sáng tới song song chiếu vào mắt sẽ hội tụ ở phía sau võng mạc. Muốn nhìn rõ hơn, mắt của người bệnh phải điều tiết để đưa ảnh từ sau về đúng trên võng mạc.

Trong một số trường hợp viễn thị nghiêm trọng, người bệnh chỉ có thể nhìn những thứ ở khoảng cách rất xa. Viễn thị có thể di truyền trong gia đình. Triệu chứng của tật này khá giống với tật lão thị ở người già.

2. Viễn thị có chữa được không?

Viễn thị có thể được chữa trị tạm thời bằng cách đeo kính có gọng hoặc kính áp tròng để làm thay đổi điểm hội tụ của tia sáng khi đi vào mắt, giúp cải thiện thị lực cho người bệnh. Đeo kính giúp xử lý viễn thị bằng cách giảm bớt độ cong của giác mạc, tuy nhiên phương pháp này chỉ là tạm thời, vì bỏ kính ra bệnh nhân sẽ khôi phục tình trạng ban đầu.

Để điều trị các tật khúc xạ triệt để cần phải sử dụng đến phương pháp phẫu thuật. Mặc dù hầu hết các phẫu thuật khúc xạ được sử dụng để điều trị chứng cận thị nhưng trên thực tế, phẫu thuật này cũng có thể được sử dụng cho bệnh viễn thị.

Phương pháp điều trị phẫu thuật sẽ điều chỉnh độ cong của giác mạc bằng cách định hình lại, bao gồm:

  • Phẫu thuật LASIK (Laser-assisted in-situ keratomileusis): Là một thủ thuật trong đó bác sĩ dùng một miếng mỏng có hình lưỡi lõm cắt vào giác mạc của bệnh nhân, sau đó sử dụng laser excimer để loại bỏ các lớp từ trung tâm giác mạc để điều chỉnh độ cong của giác mạc. Laser excimer khác với laser vì nó không tạo ra nhiệt. Sau khi thực hiện xong, nắp mỏng của giác mạc được định vị lại;
  • Phẫu thuật LASEK (Laser-assisted subepithelial keratectomy): Thay vì tạo một nắp ở giác mạc, bác sĩ sẽ tạo ra một nắp che chỉ gồm vỏ bảo vệ mỏng của giác mạc, sau đó sử dụng laser excimer để định hình lại các lớp ngoài của giác mạc và dốc đường cong rồi đặt lại vị trí của nắp biểu mô. Bệnh nhân có thể đeo một ống kính tiếp xúc để bảo vệ mắt trong vài ngày sau khi làm thủ thuật;
  • Phẫu thuật PRK (Photorefractive keratectomy): Tương tự như LASEK, ngoại trừ việc phẫu thuật loại bỏ biểu mô, nó sẽ phát triển tự nhiên, phù hợp với hình dạng mới của giác mạc. Bệnh nhân có thể phải đeo một thấu kính tiếp xúc băng trong một vài ngày sau khi phẫu thuật viễn thị;
  • Phẫu thuật CK (Conductive keratoplasty): Sử dụng năng lượng sóng vô tuyến để tác dụng nhiệt cho những vị trí xung quanh giác mạc, cho hiệu quả tương tự như bọc nhựa bằng nhiệt. Mức độ thay đổi độ cong của giác mạc phụ thuộc vào số lượng, khoảng cách của các điểm cũng như cách giác mạc lành sau khi điều trị. Kết quả của phẫu thuật CK không phải là vĩnh viễn.

3. Khi nào nên mổ viễn thị?

Hiện nay phẫu thuật bằng laser excimer (phương pháp lasik) được xem là hiệu quả nhất. Tùy theo mức độ viễn thị, bác sĩ sẽ dùng năng lượng laser để làm thay đổi công suất quang học của giác mạc. Phẫu thuật có thể được chỉ định cho các trường hợp viễn thị từ +1 đến +10 D. Bệnh nhân muốn mổ phải trên 18 tuổi, có độ viễn ổn định.

Chống chỉ định phẫu thuật mắt trong các trường hợp có bệnh cấp hoặc mãn tính tại mắt: viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm màng bồ đào, glaucom (Glôcôm), giác mạc hình nón hoặc bệnh nhân đang có các bệnh lý toàn thân ảnh hưởng đến phẫu thuật, phụ nữ có thai hoặc trong thời kỳ cho con bú.

4. Viễn thị bẩm sinh có chữa được không?

Viễn thị là bệnh lý trong đó công suất hội tụ của mắt bị suy giảm, cần phải trang bị thêm kính hội tụ để nhìn rõ hơn. Viễn thị trên 6 độ được coi là nặng, khả năng phải đeo kính cả đời, có thể gây lác cần chú ý đề phòng nhược thị hai mắt.

Các phương pháp phẫu thuật chỉ giúp bệnh nhân viễn thị bẩm sinh hoặc viễn thị mắc phải mức độ nặng không phải đeo kính, nhưng lại không giải quyết được căn nguyên gốc. Có đến trên 90% bệnh nhân không phải đeo kính nữa sau phẫu thuật laser điều trị tật khúc xạ trong đó có viễn thị.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec