Chi tiết bài viết

Vỡ lách: Điều trị thế nào?

Lá lách nằm ngay dưới xương sườn bên trái, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và lọc các tế bào máu cũ trong máu. Mặc dù được bao bọc bởi một lớp vỏ chắc lại và có vị trí nằm khá sâu trong ổ bụng nhưng tỷ lệ vỡ lách do chấn thương lại đứng hàng đầu trong chấn thương bụng do tai nạn thể thao, đấm vào bụng hoặc tai nạn giao thông là những nguyên nhân phổ biến nhất.

1. Nguyên nhân nào dẫn đến vỡ lách

Lá lách có thể vỡ khi bụng bị một cú đánh trực tiếp hoặc chấn thương đụng dập (blunt trauma). Lá lách là cơ quan dễ bị tổn thương nhất trong các chấn thương đụng dập liên quan đến bụng ở mọi lứa tuổi.

Sau đây là một trong những nguyên nhân gây vỡ lách thường gặp:

  • Tai nạn giao thông
  • Chấn thương trong các môn thể thao đối kháng như bóng đá và khúc côn cầu
  • Tai nạn xe đạp, chẳng hạn ngã phần bụng vào tay lái của xe đạp
  • Bạo lực gia đình

Một số bệnh cũng có thể dẫn đến vỡ lách. Trong những trường hợp này, lá lách bị sưng lên và vỏ bọc giống như viên nang bọc lá lách trở nên mỏng hơn khiến cơ quan này dễ bị tổn thương và chỉ cần tác động lực trực tiếp ở mức độ vừa phải cũng có thể dẫn đến vỡ lách. Các bệnh làm tăng nguy cơ vỡ lách bao gồm:

  • Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn (infectious mononucleosis); trong một số trường hợp, lá lách bị vỡ là dấu hiệu đầu tiên của bệnh này
  • Các bệnh về máu như Thiếu máu tán huyết (Hemolytic anemia) và một số loại ung thư hạch
  • Bệnh sốt rét

2. Triệu chứng của vỡ lách như thế nào?

Khi lách bị vỡ sẽ gây ra triệu chứng nghiêm trọng như đau bụng, nhưng không phải bệnh nhân nào cũng vậy. Mức độ nghiêm trọng và thậm chí là vị trí của cơn đau phụ thuộc vào mức độ vỡ của lá lách và mức độ chảy máu trong ổ bụng. Người bệnh bị có thể cảm thấy đau ở những vị trí sau:

  • Bên trái bụng dưới lồng ngực
  • Vai trái, do dây thần kinh bên vai trái và bên trái cơ hoành bắt nguồn từ cùng một vị trí và vỡ lách có thể kích thích các dây thần kinh này

Chảy máu trong do lách vỡ có thể gây ra tụt huyết áp với các triệu chứng sau:

  • Nhìn mờ
  • Lú lẫn
  • Choáng váng
  • Ngất xỉu
  • Dấu hiệu sốc do mất máu gồm bồn chồn, lo lắng, buồn nôn và xanh xao

3. Bác sĩ làm gì để chẩn đoán vỡ lách?

Trong các trường hợp cấp cứu, với các bác sĩ giàu kinh nghiệm thì chỉ cần khám mà chưa cần đến xét nghiệm để chẩn đoán lách bị vỡ. Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh tật và các triệu chứng đau. Bác sĩ khám vùng bụng có thể cảm thấy cứng và căng bụng do có chứa đầy máu. Nếu đã mất rất nhiều máu do vỡ lách, bệnh nhân có thể bị huyết áp thấp và nhịp tim nhanh. Huyết áp thấp đột ngột ở một người nghi do bị chấn thương lách, đặc biệt là một người trẻ tuổi, là dấu hiệu cho thấy bệnh cảnh nghiêm trọng và cần phải phẫu thuật khẩn cấp.

Các xét nghiệm dùng để chẩn đoán vỡ lách gồm:

Chụp cắt lớp vi tính (CT) ổ bụng là một trong những phương pháp phổ biến nhất được sử dụng. Trong quá trình chụp, bác sĩ sẽ tiêm vào tĩnh mạch ở vị trí cánh tay của người bệnh chất cản quang để giúp bác sĩ xác định lượng máu chảy ra từ lá lách. Chảy máu từ lách có thể không được phát hiện khi chụp CT bụng mà không có chất cản quang.

Tuy nhiên, điểm hạn chế của chụp CT bụng chỉ có thể được thực hiện nếu người bệnh không trong tình trạng nguy kịch do Chụp CT có chất cản quang có thể mất một lúc và người bệnh có thể tử vong trong khi chờ đợi để thực hiện xét nghiệm.

Vì lý do này, chụp CT không được khuyến cáo cho những người bị vỡ lách đang có dấu hiệu sinh tồn không ổn định hoặc huyết áp thấp do chấn thương (thường gợi ý có dấu hiệu sốc). Hoặc những người bệnh có tình trạng bị dị ứng với chất cản quang hoặc thận có vấn đề không nên sử dụng chất cản quang.

Trong những trường hợp này, các xét nghiệm khác có thể được sử dụng để giúp chẩn đoán vỡ lách, bao gồm:

  • Kỹ thuật siêu âm bụng có trọng tâm (Focused abdominal sonographic technique). Đây là một phương pháp siêu âm để kiểm tra chất lỏng tích tụ ở vùng bụng nên được sử dụng để giúp chẩn đoán lách vỡ ở bệnh nhân dấu hiệu sinh tồn không ổn định.
  • Chọc rửa xoang phúc mạc chẩn đoán (Diagnostic peritoneal lavage). Đây là phương pháp giúp nhanh chóng xác định xem máu có tập trung ở vùng bụng hay không. Đây là phương pháp nhanh, ít tốn kém và có thể được thực hiện trên bệnh nhân vỡ lách có triệu chứng huyết áp thấp.
  • Chụp MRI ổ bụng. Đây có thể là một lựa chọn cho bệnh nhân có dấu hiệu sinh tồn ổn định nhưng mắc suy thận hoặc bị dị ứng nặng với chất cản quang được sử dụng trong chụp CT.
  • Nếu người bệnh ổn định và không cần phẫu thuật cấp cứu thì người bệnh sẽ được làm thêm các xét nghiệm khác như công thức máu toàn phần (CBC) hoặc hàm lượng hemoglobin được thực hiện thường xuyên để phát hiện dấu hiệu mất máu.

4. Bác sĩ điều trị vỡ lách như thế nào?

Trước đây, phương pháp điều trị chấn thương lách thường là cắt bỏ toàn bộ lách. Tuy nhiên, các bác sĩ hiện nay cho biết một số vết thương ở lách có thể tự lành được, đặc biệt là những vết thương không quá nặng. Tuy nhiên, những người bị chấn thương lách không cần phẫu thuật vẫn phải được theo dõi trong bệnh viện và có thể cần truyền máu.

Phẫu thuật khẩn cấp để cắt bỏ hoặc sửa chữa lách được thực hiện trong các trường hợp sau:

  • Nếu bác sĩ nghi ngờ có chảy máu nhiều trong ổ bụng
  • Nếu người bị nghi ngờ vỡ lách có huyết áp thấp hoặc các dấu hiệu sinh tồn không ổn định

Khi phẫu thuật xong, phần lớn toàn bộ lá lách thường được cắt bỏ. Nhưng trong trường hợp vết rách nhỏ, bác sĩ sẽ cố gắng cứu lá lách bằng cách khâu vết rách và gây áp lực lên lá lách hoặc mạch máu cho đến khi hình thành cục máu đông để ngăn chặn máy chảy hoặc thực hiện kỹ thuật nút mạch để cứu lách.

Mức độ phục hồi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vỡ. Nhìn chung, kết quả tốt nhất thường gặp ở những người bị vỡ lách nhẹ hơn (chấn thương độ I và II). Nguy cơ biến chứng thường gặp ở những người trên 55 tuổi. Tử vong do vỡ lách có thể xảy ra kể cả khi người bệnh được điều trị tại các bệnh viện ngoại khoa hàng đầu.

Người bệnh có thể sống mà không cần lá lách. Tuy nhiên, vì lá lách đóng một vai trò quan trọng trong khả năng chống lại một số vi khuẩn nhất định, nên sống mà không có nội tạng này sẽ khiến người bệnh có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đe dọa tính mạng. Do đó, người bệnh nên tiêm vắc-xin phế cầu khuẩn, vắc-xin não mô cầu và vắc xin Hib. Những vắc-xin này thường được tiêm trước 14 ngày khi người bệnh được cắt lách hoặc 14 ngày sau phẫu thuật.

Trẻ em đã cắt bỏ lá lách có thể sẽ cần phải dùng thuốc kháng sinh hằng ngày để ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng, nhưng người lớn thường không cần dùng kháng sinh, trừ khi họ bị bệnh hoặc có khả năng cao bị bệnh.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec