Chi tiết bài viết

Xạ trị ung thư cổ tử cung: Những điều cần biết

Xạ trị ung thư cổ tử cung thường được thực hiện trong hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là xạ trị ngoài. Bức xạ được truyền từ bên ngoài cơ thể, được đưa đến toàn bộ khung chậu để bao gồm các khu vực hạch bạch huyết vùng chậu, sau đó là bức xạ được đưa vào bên trong, được gọi là xạ trị trong.

1. Xạ trị ngoài

Có thể hiểu xạ trị ngoài cũng gần giống như chụp X quang, nhưng với liều phóng xạ cao hơn. Mỗi đợt điều trị xạ trị chỉ kéo dài vài phút, thậm chí việc đưa bệnh nhân vào vị trí điều trị còn lâu hơn. Xạ trị không gây đau.

Khi xạ trị được áp dụng làm phương pháp điều trị chính của ung thư cổ tử cung, xạ trị ngoài sẽ được kết hợp với hoá trị (còn gọi là hoá xạ trị đồng thời), thường là một liều nhỏ thuốc hoá trị cisplatin hoặc một số loại thuốc hoá trị khác. Xạ trị thường được tiến hành năm ngày một tuần, trong vòng sáu đến bảy tuần. Thuốc hoá trị được tiêm truyền theo lịch suốt đợt điều trị xạ trị. Lịch tiêm truyền thuốc được sắp xếp tùy vào loại thuốc sử dụng.

Xạ trị ngoài có thể tiến hành riêng biệt để điều trị các khu vực ung thư di căn hoặc như phương pháp điều trị chính khi người bệnh không đủ sức điều trị hoá xạ trị đồng thời.

2. Tác dụng phụ có thể xảy ra của ngoại xạ trị

Các tác dụng phụ có thể xảy ra của ngoại xạ trị bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Đau dạ dày
  • Tiêu chảy hoặc đi phân lỏng (khi xạ trị vùng chậu hoặc vùng bụng)
  • Buồn nôn và nôn
  • Phản ứng da: Khi tia xạ đi qua da để đến tế bào ung thư, nó có thể phá huỷ các tế bào da, gây kích ứng từ nhẹ, đỏ da trong thời gian ngắn hoặc lột da. Da có thể tiết dịch, dẫn đến viêm nhiễm nên vùng da phơi nhiễm cần được vệ sinh và bảo vệ cẩn thận.
  • Viêm bàng quang xạ trị: Tia xạ vào vùng chậu có thể kích ứng bàng quang, gây khó chịu và tiểu nhiều lần.
  • Đau âm đạo: Tia xạ có thể làm âm hộ và âm đạo trở nên nhạy cảm và đau đớn, và đôi khi còn gây chảy dịch.
  • Thay đổi chu kì kinh nguyệt: Tia xạ có thể ảnh hưởng đến buồng trứng, dẫn đến thay đổi kinh nguyệt, hay thậm chí là mãn kinh sớm.
  • Giảm các yếu tố trong máu: Thiếu máu (giảm hồng cầu) gây mệt mỏi, thiếu hồng cầu tăng nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng là hai trong số các ví dụ về tác dụng phụ của xạ trị lên các yếu tố trong máu.

Khi hoá trị được tiến hành kèm xạ trị, các yếu tố trong máu có xu hướng giảm nhiều hơn, sự mệt mỏi và buồn nôn cũng tăng lên. Những tác dụng phụ này thường cải thiện trong vài tuần sau khi ngừng trị liệu.

Mặt khác, các tác dụng phụ kéo dài của ngoại xạ trị cũng có thể xảy ra, các tác dụng phụ này sẽ được liệt kê ở phần dưới.

3. Xạ trị trong

Xạ trị trong là phương pháp đặt một nguồn phóng xạ vào trong hoặc đến gần vị trí của ung thư, với phóng xạ vào cơ thể trong thời gian ngắn. Phương pháp xạ trị trong thường dùng nhất cho ung thư cổ tử cung được gọi là xạ trị trong khoang, với nguồn phóng xạ được đặt vào một thiết bị trong âm đạo (đôi khi trong cổ tử cung). Phương pháp này được dùng kèm xạ trị ngoài như một phần điều trị chính cho ung thư cổ tử cung.

Có hai loại xạ trị trong bao gồm:

  • Xạ trị trong suất liều thấp được hoàn thành trong vài ngày. Trong suốt khoảng thời gian này, người bệnh phải nằm trên giường phòng nội trú đơn với các thiết bị nhằm giữ vật chất phóng xạ đúng chỗ. Trong quá trình điều trị, nhân viên y tế sẽ chăm sóc cho người bệnh, nhưng cũng dự phòng tối thiểu phơi nhiễm phóng xạ cho chính họ.
  • Xạ trị trong suất liều cao là thủ thuật ngoại trú được thực hiện nhiều đợt khác nhau (thường cách ít nhất một tuần). Mỗi lần trị liệu, vật chất phóng xạ được đặt vào và lấy ra trong vòng vài phút. Lợi thế của xạ trị trong suất liều cao là người bệnh không cần phải lưu viện hay nằm yên một chỗ trong thời gian dài.

Đối với những người bệnh đã cắt bỏ tử cung, vật chất phóng xạ sẽ được đặt vào một thiết bị dạng hình ống trong âm đạo.

Đối với người bệnh vẫn còn tử cung, vật chất phóng xạ sẽ được đặt trong một ống nhỏ (tandem) và đưa vào tử cung, kèm theo thiết bị hình tròn (ovoids) đặt gần cổ tử cung. Một cách khác được gọi là tandem và vòng, với một đĩa nắm hình tròn được đặt gần tử cung. Tuỳ thuộc vào loại bệnh lý mà phương pháp xạ trị trong được chọn lựa.

4. Tác dụng phụ trong thời gian ngắn của xạ trị trong

Đối với xạ trị trong, bởi vì phóng xạ chỉ được phát trong thời gian ngắn, nên tác động chính của phóng xạ sẽ tập trung vào cổ tử cung và thành âm đạo. Tác dụng phụ thường gặp nhất là kích ứng âm đạo, khi âm đạo bị đỏ và đau, có hoặc không dịch tiết ra. Âm hộ cũng có thể gặp vấn đề tương tự.

Xạ trị trong cũng gây ra nhiều tác dụng phụ tương tự xạ trị ngoài, như mệt mỏi, tiêu chảy, buồn nôn, kích thích bàng quang và giảm các yếu tố trong máu. Thường thì nội xạ trị được tiến hành ngay sau ngoại xạ trị, trước khi các tác dụng phụ giảm đi, nên rất khó để biết tác nhân gây tác dụng phụ.

5. Tác dụng phụ dài hạn của xạ trị

  • Hẹp âm đạo: Cả nội xạ trị và ngoại xạ trị đều gây hình thành sẹo mô âm đạo, vốn là nguyên nhân gây hẹp âm đạo, giảm khả năng co giãn hoặc làm âm đạo ngắn hơn, gây đau đớn khi quan hệ tình dục.

Phụ nữ có thể ngăn ngừa vấn đề này bằng cách làm giãn thành âm đạo nhiều lần một tuần, bằng cách quan hệ tình dục hoặc sử dụng dụng cụ làm giãn âm đạo (là một ống nhựa hoặc cao su đặt trong làm giãn âm đạo).

  • Khô âm đạo: Khô âm đạo và đau khi quan hệ tình dục có thể là tác dụng phụ lâu dài do cả nội và ngoại xạ trị. Estrogen bôi tại chỗ giúp làm giảm khô âm đạo và những thay đổi của nội mạc âm đạo, đặc biệt khi phóng xạ vào vùng chậu phá huỷ buồng trứng gây mãn kinh sớm. Liệu pháp nội tiết điển hình như bôi trực tiếp vào âm đạo và hấp thụ vào vùng kín có các dạng như gel, kem, vòng nội tiết và dạng viên đặt, hơn là đường uống.
  • Yếu xương: Phóng xạ vào vùng chậu có thể làm yếu xương, dẫn đến gãy xương. Thường thấy nhất là gãy xương hông, và có thể xảy ra từ hai đến bốn năm sau nhiễm xạ. Người bệnh được khuyến cáo làm xét nghiệm đo mật độ xương để theo dõi nguy cơ gãy xương.
  • Sưng chân, một chân hoặc cả hai: Nếu các hạch bạch huyết vùng chậu được điều trị bằng phóng xạ, nó có thể dẫn đến các vấn đề thoát dịch ở chân. Điều này có thể gây ra phù bạch huyết, là tình trạng sưng nặng của chân do sự tích lũy dịch.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec