Chi tiết bài viết

Xơ hóa tủy xương là gì?

Xơ hóa tủy xương là một trong những căn bệnh ung thư xương hiếm gặp. Nó có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng tới sức khỏe. Xơ hóa tủy xương có thể là bệnh tự phát (xơ hóa tủy xương nguyên phát) hoặc do bệnh tủy xương khác (xơ hóa tủy xương thứ phát).

1.Xơ hóa tủy xương là gì?

Xơ hóa tủy xương (MF) là một bệnh ung thư tủy xương hiếm gặp, nằm trong nhóm bệnh tăng sinh tủy ác tính (MPN). Bệnh xảy ra khi tế bào xương sinh ra quá nhiều tế bào máu phát triển và hoạt động bất thường. Các bệnh tăng sinh tủy ác tính gồm có bệnh đa hồng cầu (PV) và tăng tiểu cầu tiên phát (ET). Theo thống kê, có khoảng 10-15% các trường hợp bị xơ hóa tủy xương đều bắt nguồn từ hai loại bệnh PV và ET.

Đặc trưng của bệnh xơ hóa tủy xương là gây mô sẹo xơ hóa do đột biến gen trong tế bào gốc phá hủy khả năng sinh ra tế bào máu bình thường của cơ thể, làm người bệnh bị thiếu máu trầm trọng, cơ thể suy nhược, mệt mỏi. Bên cạnh quá trình xơ hóa trong tủy xương, quá trình sinh máu ngoài tủy ở lá lách hoặc gan gây ra tình trạng phì tỵ tạng và gan (bị phình to bất thường). Xơ hóa tủy xương có thể là bệnh tự phát (xơ hóa tủy xương nguyên phát) hoặc do bệnh tủy xương khác (xơ hóa tủy xương thứ phát).

2. Các triệu chứng của bệnh xơ hóa tủy xương

Cả nam giới và nữ giới đều có khả năng mắc bệnh và nó thường gặp nhất ở những người có độ tuổi từ 50 trở lên. Tuy nhiên, bất cứ độ tuổi nào cũng có thể bị xơ hóa tủy xương. Các triệu chứng chính của xơ hóa tủy xương bao gồm:

  • Cơ thể mệt mỏi, suy nhược, hay thở ngắn
  • Giảm tế bào hồng cầu (thiếu máu).
  • Phì tỵ tạng gây đau, chướng vùng dưới xương sườn bên trái
  • Gan bị phình to (sưng gan)
  • Da nhợt nhạt, dễ bị bầm tím hoặc chảy máu do lượng tiểu cầu bị giảm xuống
  • Dưới da xuất hiện những đốm xuất huyết
  • Đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm
  • Sốt cao, dễ bị nhiễm trùng do lượng tế bào bạch cầu thấp
  • Đau nhức xương khớp
  • Sụt cân không kiểm soát
  • Ngứa ngáy cơ thể
  • Loạn nhịp tim
  • Bị đầy bụng sau khi ăn

Nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào được liệt kê bên trên, bạn nên đến ngay các phòng khám uy tín hoặc bệnh viện để được bác sĩ tư vấn và khám bệnh. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ ngăn bệnh xảy ra những biến chứng xấu đi cũng như tìm ra phương pháp điều trị phù hợp để chữa trị kịp thời.

3. Nguyên nhân gây xơ hóa tủy xương

Hiện nay, khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây bệnh. Tuy nhiên, bạn có thể biết được những triệu chứng và nguy cơ gây ra bệnh lý này.

Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ hóa tủy xương:

  • Bị phơi nhiễm một lượng lớn benzene trong thời gian dài
  • Tiếp xúc thường xuyên với bức xạ ion hóa
  • Có tiền sử được chẩn đoán thiếu máu cục bộ hoặc mắc bệnh xơ tủy xương sau mổ (polycythaemia myelofibrosis).

4. Những biến chứng của bệnh xơ hóa tủy xương

Khi bệnh xơ hóa tủy xương tiến triển thêm có thể gây ra một số biến chứng sau đây:

4.1 Tăng huyết áp tĩnh mạch cửa

Tĩnh mạch cửa là tĩnh mạch mang máu từ cơ quan nội tạng sau đó dẫn về gan. Khi lượng máu trong tỳ tạng tăng sẽ kéo theo huyết áp trong tĩnh mạch cửa cũng tăng lên. Điều này có thể ép máu thừa đi vào các tĩnh mạch nhỏ hơn vào dạ dày và thực quản, gây vỡ và chảy máu tĩnh mạch.

4.2 Tạo máu ngoài tủy

Sự hình thành của các tế bào máu bên ngoài tủy xương tạo thành cục hoặc khối u từ các tế bào máu ở vùng khác trên cơ thể. Các khối u này có thể làm chảy máu trong hệ tiêu hóa, gây ho, khạc ra máu, dây cột sống bị nén hoặc co giật.

4.3 Cứng và viêm mô xương

Xơ hóa tủy xương có thể làm cứng và viêm các mô liên kết quanh xương, gây ra tình trạng đau, cứng xương khớp nghiêm trọng.

4.4 Bệnh thống phong

Khi lượng axit uric sinh ra quá nhiều khiến nó tích tụ lại như cây kim trong khớp, dẫn tới tình trạng đau và viêm khớp.

4.5 Bệnh bạch cầu cấp tính

Bệnh xơ hóa tủy xương khi không được điều trị kịp thời có thể tiến triển thành bệnh bạch cầu cấp tính- một trong những bệnh ung thư máu và tủy xương tiến triển rất nhanh.

5. Điều trị bệnh xơ hóa tủy xương

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và độ tuổi của người mắc xơ hóa tủy xương mà bác sĩ sẽ đưa ra các lựa chọn điều trị phù hợp. Bao gồm:

5.1 Hóa trị

Sử dụng thuốc diệt tế bào ung thư phân chia nhanh chóng để điều trị xơ hóa tủy xương. Những loại thuốc này có thể dùng qua đường uống hoặc qua tĩnh mạch.

5.2 Xạ trị

Dùng chùm rọi có năng lượng cao, chẳng hạn như quang tuyến X để tiêu diệt tế bào. Phương pháp này có thể làm giảm kích cỡ của tỳ tạng trong trường hợp bệnh nhân không thể thực hiện phẫu thuật cắt bỏ. Ngoài ra, liệu pháp này cũng được áp dụng để trị đau xương khớp và khi khối u nằm bên ngoài tủy xương.

5.3 Phẫu thuật cắt bỏ tỳ tạng

Khi tỳ tạng bị phình to sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm. Trong trường hợp các biện pháp chữa trị khác không đem lại hiệu quả cao thì bạn nên thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tỳ tạng. Khi thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được theo dõi chặt chẽ xem có xuất hiện biến chứng nào khác không.

5.4 Cấy ghép tế bào gốc

Đây là phương pháp điều trị duy nhất có thể chữa khỏi bệnh xơ hóa tủy xương. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ và chỉ sử dụng phương pháp này cho những bệnh nhân phù hợp và tùy thuộc vào có người hiến tủy hay không.

6. Phương pháp ngăn ngừa bệnh xơ hóa tủy xương

Những thói quen sinh hoạt dưới đây có thể giúp bạn ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh xơ hóa tủy xương:

  • Tích cực tham gia các hoạt động thể thao, tập yoga, thể dục thường xuyên.
  • Không nên chỉ quanh quẩn trong nhà, bạn có thể tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời hoặc thực hiện một lịch làm việc linh hoạt hơn.
  • Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh và hoa quả tươi
  • Không sử dụng các chất kích thích như bia, rượu
  • Từ bỏ thuốc lá
  • Nên đi thăm khám định kỳ

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec