Chi tiết bài viết

Xương mác chân bị lệch có tự khỏi không?

Xương mác và xương chày là hai xương cấu tạo nên cẳng chân. Vì là xương nhỏ hơn nên khi chấn thương xảy ra, xương bị gãy thường là xương mác. Nhiều người đặt ra câu hỏi khi xương mác chân bị lệch có tự khỏi được không?

1. Xương mác chân là gì?

Xương mác chân là một xương dài, ở ngoài cẳng chân, mảnh khảnh, là một xương phụ vì thế người ta có thể lấy bỏ 2/3 trên xương mác chân cũng không ảnh hưởng đến chức năng của chi dưới. Xương mác chân rất dễ liền xương vì thế khi gãy cả 2 xương cẳng chân, xương mác chân thường liền xương trước và sự liền xương này lại cản trở đến sự liền xương của xương chày.

Xương mác chân là xương phụ ở cẳng chân, chỉ chịu lực một phần nhỏ. Do đó nếu xương mác chân bị gãy mà không ảnh hưởng tới sự vững của cổ chân thì bệnh nhân vẫn có thể đi lại được. Thông thường bệnh nhân sẽ được bó bột nếu như xương mác chân không có di lệch nhiều.

Với trường hợp bó bột thì cần bó trong khoảng thời gian từ 6 đến 8 tuần, sau đó bệnh nhân tập vận động đi lại, lúc đầu có nạng đỡ, sau khi không thấy đau có thể bỏ nạng để đi những đoạn ngắn, rồi đi dài hơn. Cần tránh vận động đi lại bằng chân đau quá sớm vì lúc này can xương chưa chắc có thể dẫn tới xương liền không tốt.

2. Xương mác chân bị lệch có tự khỏi không?

Bệnh nhân gặp xương mác chân bị lệch theo thời gian sẽ tự hồi phục trở lại. Tuy nhiên không phải trường hợp nào can xương cũng thẳng, có những trường hợp sau khi hồi phục xương mác chân lại bị cong. Xương mác chân sau khi gãy mà can lệch cũng không làm ảnh hưởng đến chức năng vận động của chân. Với trường hợp xương mác bị lệch ít vài mm thì can xương có thể mọc nối qua 2 đầu xương và không để lại di chứng gì trên người bệnh.

Thời gian trung bình liền xương là 1-2 tháng, tùy mức độ gãy xương, có nhiễm trùng hay không, có béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh tiểu đường, lớn tuổi, hút thuốc lá hay không… mà xương sẽ lành nhanh hơn hay chậm hơn.

Trong vấn đề dinh dưỡng bạn không có kiêng cữ gì, ngoại trừ không nên hút thuốc lá vì thuốc lá làm chậm lành xương, hạn chế uống rượu để tránh té ngã do say xỉn. Việc ăn uống nhiều thực phẩm có hàm lượng canxi cao (như hải sản) hay uống thêm thuốc/sữa bổ sung canxi thật ra không được chứng minh là làm tăng khả năng liền xương hay rút ngắn thời gian liền xương ở người trước đây khỏe mạnh bình thường. Nên ăn uống đầy đủ chất là tốt nhất vì quá trình lành vết thương không chỉ cần canxi mà còn cần các chất khác như đạm, các vi khoáng chất, vitamin…

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec