Chi tiết bài viết

Bệnh tăng huyết áp ảnh hưởng mắt như thế nào?

Tăng huyết áp là một bệnh lý mạn tính phổ biến. Tỉ lệ người mắc tăng huyết áp ngày càng gia tăng theo độ tuổi. Huyết áp cao kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho các cơ quan của cơ thể như não, thận, tim, động mạch và mắt.

1. Tăng huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch. Huyết áp được phân chia thành 2 chỉ số là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Trị số huyết áp bình thường ở thì tâm thu là < 130 mmHg, tâm trương < 85 mmHg.

Tăng huyết áp được định nghĩa là khi chỉ số huyết áp tăng hằng định ≥ 140/90 mmHg. Sự gia tăng kéo dài sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe khác như: đột quỵ, các bệnh lý tim mạch, bệnh thận, bệnh về mắt… Trong hầu hết các trường hợp, tăng huyết áp không có dấu hiệu báo trước.

Việc phát hiện bản thân hoặc người trong gia đình mắc bệnh tăng huyết áp sớm là vô cùng quan trọng. Vì vậy, việc theo dõi huyết áp thường xuyên sẽ giúp ích rất nhiều trong việc nhận thấy sự thay đổi.

2. Tăng huyết áp ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan

  • Ảnh hưởng trên não: Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ đặc biệt cần quan tâm của tình trạng tai biến mạch máu não. Huyết áp cao không kiểm soát sẽ gây vỡ một nhánh mạch máu, dẫn đến chảy máu trong não.

  • Ảnh hưởng đến thận: Thận được ví như một màng lọc của cơ thể, giúp đào thải đi những chất không cần thiết. Khi huyết áp tăng cao có thể làm dầy thành mạch dẫn đến chít hẹp khoảng trống bên trong lòng mạch máu. Từ đó, các chất thải bị ứ đọng lại trong máu, theo thời gian có thể gây hại cho thận.
  • Ảnh hưởng trên mắt: Huyết áp cao kéo dài sẽ gây vỡ các mạch máu và chảy máu trong mắt, dẫn đến mờ mắt hoặc thậm chí là mù mắt vĩnh viễn.
  • Ảnh hưởng trên tim: Đây là yếu tố nguy cơ quan trọng gây ra tình trạng nhồi máu cơ tim và suy tim xuất huyết
  • Ảnh hưởng lên hệ thống động mạch: Tăng huyết áp làm động mạch trở nên cứng hơn (xơ cứng động mạch), dẫn đến tim và thận làm việc khó khăn hơn.

3. Tăng huyết áp ảnh hưởng mắt như thế nào?

  • Tăng huyết áp ảnh hưởng mắt thông qua hiện tượng co hẹp động mạch tại một khu vực hay toàn bộ võng mạc, điều này làm cho động mạch cứng, thẳng hơn, chia nhánh vuông góc và tạo ra hình ảnh thưa thớt của hệ mạch võng mạc. Xơ cứng động mạch có thể là biểu hiện ở giai đoạn đầu của bệnh võng mạc do tăng huyết áp.
  • Dấu hiệu bắt chéo động – tĩnh mạch: Sự bắt chéo động – tĩnh mạch bình thường không dẫn đến sự thay đổi khẩu kính, màu sắc mạch máu, nhưng khi quá trình xơ cứng thành mạch diễn ra thì động mạch sẽ “đè bẹp” tĩnh mạch, cản trở tuần hoàn.
  • Xuất huyết võng mạc: xuất huyết nông, hình ngọn nến, nằm dọc theo các sợi thần kinh quanh mạch máu lớn gần đĩa thị, có thể xuất hiện những xuất huyết sâu hơn, hình chấm hoặc hình tròn ở khắp võng mạc.
  • Xuất tiết bông (xuất tiết mềm): Những đám màu trắng, bờ không rõ, nằm nông và che lấp các mạch máu.

  • Xuất tiết cứng: Những đám màu vàng, nằm sâu, có ranh giới rõ, thường ở cực sau. Đôi khi sắp xếp theo hình nan hoa, lan tỏa quanh hoàng điểm, tạo thành sao hoàng điểm hoặc tập trung lại với nhau tạo ra đám thâm nhiễm lớn.
  • Phù đĩa thị giác: Bờ đĩa thị mờ, ranh giới không rõ ràng, hơi nhô lên, màu trắng, các tĩnh mạch giãn, cương tụ kèm theo giãn mao mạch. Trong một số trường hợp còn có xuất huyết trước đĩa thị.
  • Tắc động mạch trung tâm võng mạc: Mắt mờ đột ngột, thậm chí mù một mắt hoàn toàn nhưng không kèm theo cảm giác đau hay đỏ mắt. Thời gian vàng để cấp cứu thị lực là trong vòng 2 giờ đầu, mức độ hồi phục giảm dần trong 6 giờ sau đó.
  • Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc: Phù nề võng mạc, thị lực giảm dần trong vài ngày. Lúc này, do sự lưu thông máu tại vùng bị tắc bị ứ trệ, các chất trong mạch máu thoát ra khỏi thành mạch, đi vào võng mạc gây phù nề, giảm thị lực. Người bệnh khi nhìn giống như có lớp sương mù trước mắt hoặc tồn tại những điểm tối ở vùng trung tâm. Tùy mức độ tăng huyết áp mà các bệnh về mắt có liên quan sẽ giảm ít hay nhiều.
  • Xuất huyết dịch kính: Máu tràn vào dịch kính, khi mạch máu nứt vỡ sẽ chắn đường truyền tia sáng, khiến bệnh nhân nhìn thấy lớp khói đỏ, màng che màu đỏ di động. Tình trạng này có thể hết sau một vài ngày hoặc có thể phát triển nặng hơn làm đục dịch kính và rất khó điều trị.
  • Hiện tượng ruồi bay: Bệnh nhân cảm giác có rất nhiều đốm đen bay trước mắt. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do khi tĩnh mạch võng mạc bị tắc, trên võng mạc có thể xuất hiện những mạch máu mới. Những mạch máu mới này rất dễ vỡ và khi vỡ chúng gây chảy máu ở bên trong mắt tạo nên hiện tượng ruồi bay.
  • Tổn thương thần kinh thị giác: Lượng máu, dịch thoát ra khỏi lòng mạch sẽ gây tổn thương dây thần kinh thị giác, khiến bệnh nhân dần mất thị lực nhanh chóng và khó hồi phục.

4. Điều trị bệnh về mắt do tăng huyết áp

Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị cho các bệnh về mắt do ảnh hưởng của tăng huyết áp. Vì vậy phương pháp điều trị là tập trung điều trị tăng huyết áp. Mục đích chính là ngăn cản và hạn chế tổn thương mắt và nội tạng. Điều trị có thể bắt đầu từ việc dùng thuốc và thay đổi lối sống. Có thể bổ sung thêm các thuốc giúp tăng tuần hoàn, thuốc giãn mạch hoặc bền thành mạch.

Trong một số trường hợp, phương pháp điều trị bằng Laser có thể giúp xử lý các biến chứng do tắc tĩnh mạch võng mạc. Khi hoàng điểm phù có thể tiêm thuốc khoang thủy tinh thể để làm giảm phù nề.

Trường hợp mất thị lực đột ngột ở 1 bên mắt thì cần làm giảm áp lực trong mắt, massage cho mắt và sử dụng thuốc hoặc tạo một lỗ nhỏ ở phía trước để dẫn lưu dịch ra ngoài.

5. Phòng ngừa tăng huyết áp ảnh hưởng đến mắt

Để phòng ngừa, bệnh nhân tăng huyết áp cần phải điều trị và kiểm soát chỉ số huyết áp ở mức ổn định, tầm soát các yếu tố nguy cơ, khám mắt định kỳ, tránh gây tổn thương mắt…

Với người không may bị mờ mắt do tăng huyết áp thì cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để việc điều trị bệnh đạt kết quả. Bên cạnh đó, cần xây dựng lối sống phù hợp để ổn định huyết áp tốt hơn:

  • Ăn nhạt, tránh thực phẩm đông lạnh, chế biến sẵn.
  • Hạn chế hoặc kiêng cử rượu bia.

  • Không hút thuốc.
  • Ăn nhiều rau quả và trái cây tươi như: rau cải, rau ngót, cam, chanh, quýt, bưởi…
  • Sử dụng sản phẩm bổ mắt một cách khoa học theo chỉ định.
  • Tập thể dục đều đặn.
  • Ngủ sớm, tránh thức khuya.
  • Đeo kính bảo vệ mắt. Hạn chế ngồi trước máy tính, điện thoại, tivi trong nhiều giờ liên tục…

Những tổn thương trên mắt do tăng huyết áp thường tiến triển qua nhiều giai đoạn, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm. Kiểm soát huyết áp tốt là phương pháp điều trị duy nhất giúp hạn chế các bệnh về mắt ở người cao huyết áp.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec