Chi tiết bài viết

Bệnh uốn ván lây qua đường nào?

Uốn ván hay cách gọi khác là bệnh phong đòn gánh. Vi khuẩn uốn ván tạo ra chất độc gây tổn thương hệ thần kinh, khiến các cơ bắp được điều khiển bởi những dây thần kinh này sẽ bị cứng và tê liệt. Nếu không được điều trị nhanh chóng, bệnh có thể dẫn đến tử vong, khi cơ hô hấp ngừng hoạt động.

1. Bệnh uốn ván có lây không?

Bệnh uốn ván không lây truyền từ người sang người và có thể phòng ngừa bằng vắc-xin.

Phương thức lây truyền bệnh như sau: Ban đầu, nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, hay do tiêm chích nhiễm bẩn. Đôi khi xuất hiện trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong những nơi không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Có trường hợp tổ chức của cơ thể bị hoại tử và/hoặc các dị vật xâm nhập vào cơ thể bị nhiễm bẩn tạo ra môi trường yếm khí cho nha bào uốn ván phát triển.

Các vết thương có thể dẫn đến nhiễm uốn ván bao gồm:

  • Gãy xương phức tạp (gãy xương hở);
  • Vết cắn của động vật;
  • Bất cứ dạng vết thương nào (ví dụ như đinh sắt bị rỉ hoặc gai đâm);
  • Bỏng hay các vết thương bị nhiễm bẩn với đất, bụi, phân ngựa hoặc dằm gỗ.

2. Bệnh uốn ván lây qua đường nào?

  • Vi khuẩn uốn ván thường xâm nhập vào cơ thể con người qua các vết thương sâu bị nhiễm bẩn, từ các vết rách vết thương hở hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn. Ngoài ra có một số trường hợp mắc bệnh sau khi phẫu thuật hoặc nạo phá thai trong điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
  • Đối với trẻ sơ sinh bị bệnh uốn ván là do quá trình cắt và chăm sóc rốn không đảm bảo vệ sinh vì cắt rốn bằng dụng cụ bẩn hoặc sau khi sinh, trẻ sơ sinh không được chăm sóc và vệ sinh rốn sạch sẽ và băng đầu rốn bị cắt không vô khuẩn nên đã bị nhiễm nha bào uốn ván. Từ đó tạo điều kiện để nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn.
  • Uốn ván không lây truyền từ người sang người.

3. Tiêm uốn ván là gì?

Tiêm phòng uốn ván là cách để bảo vệ con người tránh khỏi chủng uốn ván nguy hiểm. Vắc-xin ngừa uốn ván có tác dụng vô cùng lớn trong việc phòng tránh, ngăn ngừa và điều trị bệnh uốn ván nguy hiểm. Từ đó tỉ lệ tử vong vì căn bệnh này giảm đi. Tiêm vắc-xin kịp thời và đủ liều lượng, người bệnh không phải trải qua những triệu chứng bệnh đau đớn, nguy hiểm.

Vắc – xin ngừa uốn ván giúp tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh uốn ván đối với cả trẻ em và người lớn, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao dưới đây:

  • Phụ nữ mang thai.
  • Trường hợp công nhân vệ sinh môi trường, cống rãnh, nước thải công cộng.
  • Những người thường làm việc tại trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
  • Người làm vườn, làm việc ở các trang trại, nông trường.
  • Công nhân xây dựng công trình.
  • Bộ đội, thanh niên xung phong.

Bên cạnh đó, cứ mỗi 5 – 10 năm bạn phải tiêm nhắc lại một liều vì vắc-xin ngừa uốn ván không có giá trị phòng ngừa trọn đời.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ điều kiện để tiêm vắc-xin uốn ván. Đối với một số trường hợp vì điều kiện sức khỏe không đảm bảo để tiêm chủng như:

  • Không tiêm cho trường hợp người bị mẫn cảm, dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Những người có biểu hiện dị ứng với lần trước đó thì lần sau cũng không được tiêm.
  • Không tiêm chủng đối với người có dấu hiệu, triệu chứng thần kinh sau khi tiêm các liều trước đó.
  • Hoãn lịch tiêm với trường hợp sốt cao hoặc mắc các bệnh cấp tính.
  • Không được tiêm tĩnh mạch đối với bất cứ trường hợp nào.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec