Chi tiết bài viết

Những điều cần biết về ung thư dạ dày

Bệnh ung thư dạ dày là bệnh ung thư thường gặp thứ 3 trong các bệnh ung thư ở đường tiêu hóa, là bệnh có độ ác tính rất cao
 

1. Bệnh ung thư dạ dày là gì?

Bệnh ung thư dạ dày là bệnh ung thư thường gặp thứ 3 trong các bệnh ung thư ở đường tiêu hóa, là bệnh có độ ác tính rất cao.

Châu Á đang là nơi có tỷ lệ mắc bệnh cao trên thế giới, trong đó Nhật Bản là nước có tỷ lệ bệnh cao nhất thế giới.

Ở nước ta, mỗi năm có khoảng 7000 bệnh nhân mới được phát hiện.

2. Các yếu tố nguy cơ dẫn tới dễ mắc bệnh ung thư dạ dày

– Chế độ ăn ít chất xơ, ăn nhiều chất bảo quản thực phẩm như thực phẩm khô, xông khói.

– Hút thuốc lá gây tăng nguy cơ từ 6 – 16%.

– Viêm dạ dày mạn tính, nhiễm vi trùng Helicobacter pylori.

– Gia đình huyết thống có người mắc bệnh ung thư.

Do rất nhiều yếu tố đặc trưng của xã hội nước ta mà bệnh được chẩn đoán rất muộn, vì vậy mà các bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chữa bệnh, kết quả điều trị cũng rất kém và gây tốn kém nhiều cho người bệnh.

3. Kết quả điều trị ung thư dạ dày ở một số nước như thế nào?

Tỷ lệ người bệnh sống trên 5 năm sau mổ cắt dạ dày tại 3 Quốc gia:

– Nhật Bản 90%

– Hoa Kỳ 18% – 26%

– Việt Nam dưới 10%

Qua so sánh trên, thấy rằng Hoa kỳ là nước có nền y học rất tiên tiến nhưng kết quả lại thua xa Nhật bản và chỉ hơn chúng ta không nhiều.

Kết quả này cho thấy trang thiết bị y tế hiện đại không phải là vấn đề quyết định thành công trong chữa bệnh ung thư dạ dày.

Nước Nhật là nước có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất thế giới. Chính vì vậy, họ có một chiến lược quốc gia (khác hẳn các nước khác trên thế giới) là kiểm tra dạ dày thật rộng rãi trên toàn quốc cho những người trên 40 tuổi và nhất là những người có nguy cơ cao (đã nêu ở trên).

Các thiết bị để kiểm tra này đã có ở hầu hết các bệnh viện tại Việt Nam từ hàng chục năm nay là chụp hình dạ dày và nội soi dạ dày.

Trong 20 năm (1960 – 1980) Nhật Bản thực hiện kiểm tra trên 5 triệu lượt bệnh nhân. Kết quả là 89% ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn 1, giai đoạn mới khởi đầu. Như vậy kết quả chữa bệnh của họ mới được như trên.

Trong tình hình thực tế ở nước ta, hầu hết người bệnh chỉ tới bệnh viện khi bệnh đã tiến triển quá xa. Khi mới chớm đau người bệnh thường có thói quen “khám bệnh” ở nhà thuốc, không được sự tư vấn đầy đủ của bác sĩ chuyên khoa. Ngay cả khi có sự tư vấn đúng đắn yêu cầu nội soi dạ dày thì nhiều người cũng từ chối vì thủ thuật này cũng gây khó chịu.

4. Triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày là gì?

Ở giai đoạn sớm của bệnh, triệu chứng rất mơ hồ, chỉ là đau thoáng qua ở vùng trên rốn, cơn đau qua nhanh rất dễ bỏ qua.

Ở giai đoạn sau: cơn đau thường xuyên hơn, chán ăn mệt mỏi, xanh xao thiếu máu, sụt cân. Có thể đi cầu ra máu, nôn thường xuyên, nôn ra thức ăn của ngày hôm trước.

Đáng tiếc khi xuất hiện nhưng triệu chứng này là đã quá trễ.

5. Chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày như thế nào?

Chụp hình dạ dày với thuốc uống là một phương pháp hữu hiệu và nhe nhàng khi không có máy nội soi, tuy nhiên độ chính xác của nội soi dạ dày vẫn cao hơn và hiệu quả hơn.

Rất nhiều bệnh nhân ngại soi dạ dày vì khó chịu thì hiện tại đã có phương pháp gây ngủ cho người bệnh khi soi.

6. Khi nào thì nên đi nội soi dạ dày?

– Đau vùng trên rốn tái đi lại nhiều lần.

– Người trên 40 tuổi ăn không ngon miệng, không hào hứng khi ăn.

– Trên 40 tuổi trong gia đình có người mắc bệnh ung thư.

– Bệnh viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày, chảy máu dạ dày.

7. Chữa bệnh ung thư dạ dày như thế nào?

Khi xác định được người bệnh mắc bệnh ung thư dạ dày, người bệnh cần được nằm viện để nâng đỡ thể trạng và chuẩn bị cho một cuộc mổ lớn.

Nâng đỡ thể trạng là truyền dinh dưỡng, máu và các chất điện giải giúp người bệnh có được cơ sở sức khỏe tốt khi mổ.

Phương pháp mổ là cắt bỏ đi khối ung thư và phần mềm xung quanh bao gồm hạch và một số phần khác đảm bảo cắt sạch khối ung thư.

Sau mổ người bệnh sẽ cần thêm điều trị hóa chất và phòng xạ bổ sung.

Đối với những trường hợp khối u đã phát triển quá nhiều không thể cắt bỏ được thì chỉ còn cách dùng hóa chất và phóng xạ với hy vọng giảm bớt được phần nào căn bệnh.

8. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh?

– Chế độ ăn uống nhiều chất xơ, tránh các chất bảo quản.

– Không hút thuốc lá.

– Chữa bệnh viêm dạ dày tích cực.

– Soi dạ dày định kỳ đối với những người có nguy cơ mắc bệnh cao.

– Nên tư vấn ở bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa khi bênh mới chớm xuất hiện.

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh