Chi tiết bài viết

Phản ứng thường gặp sau tiêm vắc-xin lao

Cũng như các mũi tiêm phòng khác, tiêm phòng lao có thể gây ra một số phản ứng tại chỗ và toàn thân sau khi tiêm vắc-xin lao. Tuy nhiên loại vắc-xin này rất hiếm khi xảy ra những phản ứng nguy hiểm trên cơ địa những trẻ bình thường.

1. Những phản ứng sau tiêm phòng lao

Thông thường loại vắc-xin này rất hiếm xảy ra phản ứng phụ nghiêm trọng, có thể có những biểu hiện sau tiêm như:

  • Những phản ứng thường gặp: Trẻ chán ăn, quấy khóc, vị trí tiêm vắc-xin lai đỏ, sưng, nổi ban và nổi các nốt sẩn, tuy nhiên những nốt ban và sần nhỏ ở vị trí tiêm phòng thường mất đi rất nhanh.
  • Triệu chứng sốt nhẹ nổi hạch: Thường xuất hiện 24 giờ sau khi tiêm chủng và chỉ tồn tại trong vòng 1 – 3 ngày rồi sau đó tự hết mà không phải điều trị can thiệp gì.
  • Viêm hạch, sưng hạch cũng thường xuất hiện sau khi tiêm vắc-xin phòng lao từ 3 đến 5 tuần và sẽ tự biến mất khoảng 1 tháng sau mà không để lại bất kỳ di chứng nào.
  • Áp xe tại chỗ tiêm: Thường xảy ra do sử dụng bơm kim tiêm không vô trùng hay do tiêm không đúng vị trí phòng lao (Vắc – xin lao cần tiêm trong da nhưng lại tiêm vào vị trí dưới da).
  • Khoảng 2 tuần đến 1 tháng sau khi tiêm xuất hiện 1 vết loét đỏ có kích thước nhỏ, sau đó vết loét tự lành để lại sẹo mà thường không cần can thiệp gì. Điều này chứng tỏ trẻ đã có miễn dịch phòng lao.
  • Có thể gặp loét nặng và kéo dài ở vùng tiêm.
  • Hiếm gặp (1/1.000.000): Viêm tủy, nhiễm vi khuẩn lao sau tiêm phòng, viêm hạch bạch huyết có mủ (xuất hiện từ 2 – 6 tháng sau tiêm BCG). Những trường nặng thường xảy ra trên cơ địa những người nhiễm HIV hay mắc bệnh suy giảm miễn dịch nặng.

2. Cách xử lý những phản ứng sau tiêm vắc-xin lao

  • Những phản ứng sau tiêm nhẹ như nổi hạch, nổi sần.. không cần điều trị sẽ mất đi, nên không cần quá lo lắng.
  • Nếu sốt sau tiêm lao: Sốt nhẹ dưới 38,5 độ C hạ nhiệt bằng cách lau người cho trẻ bằng nước ấm, cho bú nhiều theo nhu cầu của trẻ. Trường hợp sốt trên 38,5 độ cho trẻ uống thuốc hạ sốt và các phương pháp giống trường hợp sốt nhẹ.
  • Vị trí tiêm sưng, đau có thể chườm mát cho trẻ, chú ý chườm cho trẻ bằng nước sạch tránh nhiễm khuẩn tại vị trí tiêm.
  • Hạn chế va chạm vào chỗ tiêm khi bế hoặc ôm trẻ.
  • Sau 2 tuần đến 1 tháng vị trí tiêm sẽ mưng mủ điều này là hoàn toàn bình thường, không cần lo lắng và không cần can thiệp gì sau khi mưng mủ sẽ vỡ mủ và hình thành sẹo. Việc này chứng tỏ trẻ có miễn dịch và đáp ứng tốt với việc tiêm vắc-xin.

3. Khi nào cần đưa trẻ đi tới bệnh viện

Nếu trẻ sau khi tiêm vắc-xin phòng ngừa lao xuất hiện các triệu chứng bất thường sau cần đưa trẻ tới cơ sở y tế khám ngay:

  • Theo dõi trong vòng 48 giờ sau tiêm thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng nặng như: Sốt cao, quấy khóc nhiều không dứt, trẻ tím tái, khó thở, lơ mơ, co giật, thậm chí hôn mê…
  • Trẻ sốt cao kéo dài từ 1-2 ngày hay trẻ sốt cao từ 38.5 độ trở lên, uống thuốc hạ sốt không giảm.
  • Vết tiêm sưng to, hạch sưng to, hạch kéo dài hơn 6 tuần không khỏi.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec