Chi tiết bài viết

Sau cắt buồng trứng có kinh nguyệt không?

Ở phụ nữ, buồng trứng được biết đến với chức năng chủ yếu là sản sinh trứng và thực hiện chức năng nội tiết tạo ra các hormone sinh dục nữ. Có rất nhiều vấn đề xoay quanh việc phẫu thuật cắt buồng trứng, một trong những thắc mắc lớn của bệnh nhân đó là cắt buồng trứng có kinh không?

1. Cắt bỏ buồng trứng có kinh nguyệt không?

Đối với những phụ nữ ở độ tuổi sinh sản và đang trong giai đoạn muốn có con, một trong những vấn để nhiều chị em lo ngại nhất chính việc phải cắt bỏ 1 hay cả 2 buồng trứng cùng một lúc. Có hai trường hợp chủ yếu cần phẫu thuật cắt buồng trứng đó là:

  • Phụ nữ mắc các bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và khả năng sinh sản như: u nang buồng trứng xoắn vỡ, ung thư buồng trứng….
  • Phụ nữ đã gần đến thời kỳ mãn kinh, cần cắt bỏ để hạn chế nguy cơ ung thư buồng trứng.

Cơ thể mỗi chị em đều có 2 buồng trứng, bên trái và bên phải. Trường hợp cả 2 bên đều mắc bệnh và có nguy cơ ung thư, khi đó bắt buộc bác sĩ phải chỉ định cắt bỏ buồng trứng cả 2 bên.

Đối với việc phải cắt cả 2 buồng trứng ở nữ giới chưa dậy thì và đã dậy thì (lấy hiện tượng kinh nguyệt làm mốc) có những thay đổi khác nhau. Nếu bị cắt cả 2 buồng trứng khi chưa dậy thì sẽ dẫn đến nhiều dấu hiệu sinh lý nữ sẽ ngừng hoặc mất đi, ví dụ như: không hành kinh, ngực ngừng phát triển, lông không mọc…. Nếu cắt buồng trứng khi đã qua tuổi dậy thì, khi cơ thể đã phát triển rồi thì chỉ mất đi hiện tượng hành kinh mỗi tháng.

Tuy nhiên, trường hợp một bên buồng trứng vẫn còn khả năng hoạt động bình thường và chỉ phẫu thuật cắt 1 bên thì người phụ nữ vẫn có kinh nguyệt và phát triển cơ thể bình thường hoặc suy giảm hơn bình thường một chút. Vì 2 buồng trứng hoạt động độc lập với nhau nên buồng trứng được giữ lại vẫn có khả năng sinh sản và chức năng nội tiết.

2. Khả năng hồi phục sau cắt bỏ buồng trứng

Khả năng phục hồi sau khi phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng sẽ phụ thuộc vào sức khỏe của người bệnh và phương pháp mổ, thông thường khoảng 6 tuần. Trong khi phẫu thuật, rủi ro mất máu nhiều có thể xảy ra. Điều này đồng nghĩa với việc vài tuần sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể bị nhiễm trùng gây sốt hoặc tấy đỏ và đau gần vị trí mổ.

3. Cơ hội mang thai sau khi cắt bỏ buồng trứng

Cơ hội thụ thai sau khi cắt bỏ 1 bên buồng trứng là 50%. Cắt bỏ 2 bên buồng trứng thì phụ nữ sẽ không có khả năng thụ thai tự nhiên thành công, tuy nhiên có thể có thai nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách xin trứng.

4. Sau khi cắt buồng trứng có cần bổ sung estrogen?

Estrogen là hormon sinh dục nữ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, phát triển giới tính và cơ quan sinh dục nữ như: âm đạo, vòi trứng, nội mạc tử cung… và tạo nên các đặc tính thứ phát của giới nữ như: giọng nói thanh trong, bờ vai nhỏ, ngực nở nang và điều hòa phân bố mỡ tạo ra hình dáng phụ nữ.

Trong cơ thể phụ nữ, các chất estradiol, estron và estriol là các estrogen được buồng trứng và nhau thai tiết ra. Hiện nay, y học đã có thể tổng hợp được các estrogen là estron và estriol để bổ sung khi cơ thể bị thiếu hụt. Estrogen được chỉ định hạn hẹp trong một số trường hợp: cắt buồng trứng, dậy thì muộn, rối loạn tiền mãn kinh và mãn kinh, tránh thai, điều trị rối loạn kinh nguyệt , điều trị bệnh nam hoá (phụ nữ mọc râu, trứng cá), điều trị ung thư tuyến tiền liệt….

Vì vậy, trong trường hợp cắt buồng trứng rất có thể phải bổ sung estrogen. Tuy nhiên, việc này cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ. Vì estrogen có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng là: căng ngực, buồn nôn, nhức đầu, vàng da, ứ mật, tăng calci máu, tăng cân, chứng vú to và giảm tình dục ở nam giới, đặc biệt có thể gây ung thư nội mạc tử cung, ung thư vú.

5. Cắt buồng trứng có ảnh hưởng tới khả năng tình dục?

Buồng trứng có chức năng sản sinh trứng và chức năng nội tiết là tiết ra các hormon giúp người phụ nữ phát triển tính dục và duy trì ham muốn tình dục. Các tế bào của buồng trứng sẽ tiết ra 3 hormon: estrogen, progesteron, androgen (tên gọi chung của testosteron: hormon giới tính nam).

Trong đó, testosteron là yếu tố chính quyết định ham muốn tình dục cho phụ nữ và quyết định 50% đời sống chăn gối của nữ giới, phần còn lại phụ thuộc sức khỏe và tình trạng “máy móc”. So với đàn ông, tỷ lệ hormone testosterone của phụ nữ thấp hơn nhưng lại nhạy cảm với loại hormon này hơn các quý ông. Vì vậy không thể nói người phụ nữ ít ham muốn hơn đàn ông.

Ham muốn tình dục không bị ảnh hưởng do phải cắt cả 2 buồng trứng, vì hormon testosteron mới là hormon duy trì ham muốn tình dục ở cả nam và nữ. Với nữ giới bình thường, tăng nồng độ estrogen không làm tăng dục năng nhưng nếu cung cấp testosterone cho nữ giới lại làm tăng ham muốn tình dục.

Vì sao cắt 2 buồng trứng nhưng ham muốn tình dục ở chị em không bị ảnh hưởng? Đó là vì tuyến thượng thận cũng bài tiết testosteron nên nữ giới bị cắt cả 2 buồng trứng hay khi đã bước vào tuổi mãn kinh (khi hoạt động bài tiết estrogen giảm đi) thì ham muốn tình dục cũng không phải là chấm dứt.

Chỉ khi cắt bỏ cả 2 bên buồng trứng và tuyến thượng thận thì phụ nữ mới suy giảm ham muốn tình dục. Tuy nhiên trong một số trường hợp, thầy thuốc cắt 2 buồng trứng nhưng vẫn cố gắng bảo tồn những mô lành của buồng trứng để duy trì chức năng nội tiết. Số mô lành còn lại vẫn có thể hoạt động bù, không gây thiếu hụt về nội tiết và không ảnh hưởng đến đời sống chăn gối của người phụ nữ.

Vì vậy trong trường hợp có chỉ định cắt cả 2 buồng trứng, bệnh nhân hãy yên tâm điều trị theo phác đồ mà không cần quá lo lắng về ảnh hưởng đời sống chăn gối về sau.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec