Chi tiết bài viết

Thế nào là phế cầu kháng thuốc?

Thuốc kháng sinh là loại thuốc dùng để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, vi khuẩn có thể biến đổi hoặc đột biến để tạo ra những chủng vi khuẩn khiến thuốc kháng sinh không thể tiêu diệt được những vi khuẩn này, các chuyên gia y tế công cộng gọi đây là kháng kháng sinh (tên tiếng Anh là antibiotic resistance). Nhiều loại vi khuẩn, bao gồm cả phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) gây ra bệnh viêm phổi đã trở nên kháng một hoặc nhiều loại kháng sinh dẫn đến điều trị thất bại.

1. Phế cầu kháng thuốc là gì?

Kháng kháng sinh là khả năng của một vi sinh vật (vi trùng, virus và một số ký sinh trùng) ngăn chặn tác dụng của một thuốc chống lại nó (như kháng sinh, thuốc kháng virus và thuốc chống sốt rét). Dẫn tới các phương pháp điều trị trở nên không hiệu quả, vi sinh vật gây bệnh vẫn tồn tại, phát triển mạnh hơn và có thể lan sang người khác.

Đối với phế cầu khuẩn kháng thuốc, vi khuẩn phế cầu khuẩn có khả năng kháng lại thuốc kháng sinh và tiếp tục nhân lên trong cơ thể người bệnh ngay cả khi điều trị bằng kháng sinh liều cao và phối hợp nhiều thuốc kháng sinh với nhau. Nguyên nhân của hiện tượng kháng kháng sinh này thường là do người dân tự ý thuốc kháng sinh khi chưa có được bác sĩ khám và kê đơn.

2. Thực trạng phế cầu khuẩn kháng thuốc

Cho đến năm 2000, tại Mỹ, nhiễm phế cầu khuẩn gây ra 60.000 trường hợp mắc các bệnh nhiễm khuẩn xâm lấn mỗi năm. Trong đó, có tới 40% trường hợp do vi khuẩn phế cầu kháng với ít nhất một loại thuốc kháng sinh. Những con số này đã giảm đáng kể sau khi:

  • Sự ra đời của vắc-xin phế cầu khuẩn cho trẻ em
  • Thay đổi định nghĩa về tính kháng thuốc với penicillin

Tới năm 2015, có khoảng 30.000 trường hợp mắc bệnh nhiễm khuẩn xâm lấn do phế cầu khuẩn và khoảng 30% người bệnh nhiễm phế cầu khuẩn kháng một hoặc nhiều loại kháng sinh, tỷ lệ này thay đổi theo từng Quốc gia.

Vi khuẩn phế cầu khuẩn có hơn 90 type huyết thanh và trong đó, có bảy type huyết thanh (6A, 6B, 9V, 14, 19A, 19F và 23F) chiếm phần lớn các trường hợp phế cầu khuẩn kháng thuốc trước khi vắc xin liên hợp đầu tiên (PCV7, Prevnar®) được sử dụng đầu tiên tại Hoa Kỳ vào năm 2000. Sau khi triển khai tiêm PCV7 và vắc-xin cộng hợp phế cầu khuẩn (PCV13, Prevnar 13®) năm 2010 thì chỉ còn lại type huyết thanh 19A của phế cầu khuẩn vẫn còn kháng thuốc kháng sinh. Hiện nay, cả PCV7 và PCV13 đều ngăn ngừa nhiều bệnh nhiễm trùng do các chủng phế cầu khuẩn kháng thuốc.

3. Hậu quả của phế cầu kháng thuốc

  • Gây tốn kém, lãng phí: Việc sử dụng kháng sinh chữa các bệnh do virus hoặc dùng kháng sinh mạnh khi chưa cần thiết… đã gây ra sự lãng phí và tốn kém.
  • Không khỏi bệnh: Tự ý sử dụng thuốc kháng sinh bằng cách sử dụng đơn cũ hoặc đơn thuốc của người khác do có bệnh/dấu hiệu tương tự, khiến cho bệnh không khỏi do bệnh hiện tại khác với bệnh lần trước và không giống với bệnh của người khác. Không những còn gia tăng các biến chứng của bệnh mà khiến việc thời gian mắc bệnh sẽ kéo dài hơn.
  • Xảy ra tác dụng phụ do thuốc: Khi người bệnh tự ý sử dụng thuốc kháng sinh mà không có ý kiến của bác sĩ thì không những không khỏi bệnh mà còn tăng thêm bệnh hoặc tăng gặp phản ứng phụ do không sử dụng không đúng loại thuốc và đúng liều, đúng thời gian. Bên cạnh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh thì kháng sinh còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi cho cơ thể (ví dụ như vi trùng đường ruột tạo men tiêu hóa). Vì vậy, khi dùng kháng sinh, người bệnh thường hay bị tiêu chảy, đau bụng… Kháng sinh còn có thể gây ra những tai biến như dị ứng, nhẹ chỉ nổi mề đay, ban đỏ, ngứa, buồn nôn, nôn, nặng có thể gây độc cho gan, thận, sốc phản vệ gây nguy hiểm cho tính mạng.
  • Kháng thuốc kháng sinh: Việc sử dụng kháng sinh không thích hợp sẽ thúc đẩy sự phát triển tình trạng kháng thuốc. Dùng kháng sinh quá liều, không đủ liều, dùng sai chỉ định đều góp phần làm nặng thêm tình trạng kháng thuốc.

4. Dự phòng kháng thuốc của phế cầu khuẩn như thế nào?

Do đó, để giảm nguy cơ trẻ mắc bệnh viêm phổi, Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC) khuyến cáo tất cả các trẻ em nên tiêm đủ 2 loại vắc xin gồm vắc xin Hib và vắc xin phế cầu khuẩn. Khi trẻ đã có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh thông qua việc tiêm vắc xin, thì sẽ phòng được bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn và khi không mắc bệnh, trẻ sẽ không phải sử dụng thuốc kháng sinh và phòng tránh được tình trạng kháng kháng sinh.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec