Chi tiết bài viết

Vì sao cần tiêm nhắc lại các mũi vắc xin cho trẻ?

Các bậc cha mẹ ngày nay đa phần đều ý thức được tầm quan trọng của việc sử dụng vắc xin cho trẻ, vì lẽ đó nên hầu như trẻ nào cũng được sử dụng đầy đủ vắc xin trong lần đầu tiên. Tuy nhiên một số cha mẹ lại chưa hiểu đúng được tầm quan trọng của việc sử dụng nhắc lại vắc xin cho trẻ.

1. Vắc xin là gì?

Vắc-xin là chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên, có nguồn gốc từ vi sinh vật (có thể toàn thân hoặc một phần hoặc có cấu trúc tương tự) dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể.

Nguyên lý của việc sử dụng vắc-xin là đưa vào cơ thể kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh, đã được bào chế đảm bảo độ an toàn cần thiết, làm cho cơ thể tự tạo ra tình trạng miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh (nghĩa là gây miễn dịch chủ động nhân tạo).

2. Cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch

Để hiểu tại sao việc sử dụng nhắc lại vắc-xin cho trẻ lại rất quan trọng, trước tiên phải biết được hệ miễn dịch hoạt động theo cơ chế nào.

Miễn dịch là khả năng cơ thể nhận ra và loại bỏ các vật lạ. Ở cơ thể người, đáp ứng miễn dịch chia làm miễn dịch tự nhiên và miễn dịch thu được (còn gọi là miễn dịch đặc hiệu). Sự phân chia này hoàn toàn không có nghĩa là hai loại đáp ứng miễn dịch này tách biệt nhau mà chúng luôn có sự liên quan chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau, lồng ghép vào nhau để thực hiện chức năng bảo vệ cơ thể. Việc sử dụng vắc-xin thực chất là chủ động tạo ra miễn dịch thu được cho cơ thể.

2.1. Miễn dịch thu được (miễn dịch đặc hiệu) là gì?

Miễn dịch thu được, hay miễn dịch đặc hiệu là trạng thái miễn dịch xuất hiện khi cơ thể đã có tiếp xúc với kháng nguyên, có thể là ngẫu nhiên hoặc chủ động. Miễn dịch thu được còn có thể có được khi truyền các tế bào có thẩm quyền miễn dịch hoặc truyền kháng thể vào cơ thể.

2.2. Hệ thống đáp ứng miễn dịch đặc hiệu

Để loại trừ kháng nguyên lạ xâm nhập vào cơ thể, hệ thống đáp ứng miễn dịch đặc hiệu sử dụng hai phương thức: đáp ứng miễn dịch dịch thể và đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào. Cả hai phương thức đáp ứng miễn dịch đều trải qua 3 bước: nhận diện, hoạt hoá và hiệu ứng.

2.2.1. Nhận diện kháng nguyên

Khi kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể sống sẽ gặp sự đề kháng đầu tiên của cơ thể là đáp ứng miễn dịch tự nhiên. Trong phản ứng bảo vệ này, đại thực bào đóng một vai trò rất quan trọng. Hiện tượng thực bào là một phần của đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu, đồng thời cũng là bước khởi đầu của đáp ứng miễn dịch đặc hiệu. Trong đáp ứng miễn dịch đặc hiệu đại thực bào có chức năng xử lý và trình diện kháng nguyên.

Những kháng nguyên lạ sau khi bị các tế bào thực bào tiêu trong túi thực bào thì một số sản phẩm giáng hoá của chúng được đưa ra ngoài màng thực bào kết hợp với phân tử MHC II – phức hợp hoà hợp mô chủ yếu, để trình diện cho các tế bào có thẩm quyền miễn dịch. Tế bào lympho là những tế bào sẽ tham gia vào đáp ứng miễn dịch đặc hiệu.

2.2.2. Hoạt hóa

Các tế bào lympho có thụ cảm thể tương ứng với tế bào thực bào trình diện sẽ tiếp nhận kháng nguyên (TCR đối với tế bào lympho T, và BCR đối với tế bào lympho B). Khi sự liên kết giữa hai tế bào được thành lập sẽ tạo ra quá trình hoạt hoá các tế bào lympho. Nếu là tế bào lympho B sẽ hình thành đáp ứng miễn dịch dịch thể, nếu là tế bào lympho T thì sẽ hình thành đáp ứng miễn dịch tế bào.

Một số tế bào lympho B và tế bào lympho T đã được mẫn cảm sẽ trở thành các tế bào trí nhớ, nếu tiếp xúc lại với kháng nguyên đã gây mẫn cảm sẽ tạo ra đáp ứng miễn dịch với cường độ mạnh hơn, thời gian duy trì đáp ứng nhanh và dài hơn.

2.2.3. Hiệu ứng

Khi kháng nguyên được trình diện cho tế bào lympho B thì tế bào B được hoạt hoá và sẽ biệt hoá thành tương bào sản xuất ra kháng thể dịch thể gọi là globulin miễn dịch, viết tắt là Ig. Các Ig khi đổ vào dịch nội môi có thể lưu hành trong đó một thời gian. Khi đại thực bào trình diện kháng nguyên cho tế bào lympho T làm cho những tế bào này được mẫn cảm trở thành những tế bào T hoạt hoá và một số trở thành tế bào trí nhớ. Tế bào lympho T hoạt hoá sản xuất ra những chất tương tự như globulin miễn dịch, nhưng chỉ có phần hoạt động kết hợp với kháng nguyên là lộ ra khỏi bề mặt của tế bào. Sự kết hợp kháng nguyên ngay trên bề mặt tế bào sẽ kích thích tế bào lympho tiết ra các lymphokin.

2.2.4. Điều hòa đáp ứng miễn dịch

Đáp ứng miễn dịch chịu sự điều hoà phức tạp do nhiều loại tế bào tham gia, bao gồm tế bào T hỗ trợ, tế bào T ức chế, các lymphokin…

2.3. Đặc điểm cơ bản của đáp ứng miễn dịch đặc hiệu

2.3.1. Tính đặc hiệu

Kháng thể dù là dịch thể hay tế bào đều đặc hiệu với một epitop kháng nguyên nhất định (cơ chế “chìa khoá – ổ khoá”). Tuy vậy nếu có một kháng nguyên có cấu trúc tương tự như kháng nguyên đặc hiệu có thể xảy ra phản ứng chéo.

2.3.2. Tính đa dạng

Số lượng epitop kháng nguyên có trong tự nhiên là vô cùng lớn, nhưng cơ thể vẫn có đủ kháng thể đặc hiệu cho từng loại. Đó là do tính đa dạng về mặt cấu trúc phần cảm thụ của kháng thể.

2.3.3. Trí nhớ miễn dịch

Khi kháng nguyên vào lần đầu tiên và được trình diện cho tế bào lympho thì dòng này được phân triển, trong đó có một số giữ lại hình ảnh của cấu trúc kháng nguyên để cho đáp ứng lần hai, lần ba… Vì thế đáp ứng miễn dịch lần sau có thời gian tiềm tàng ngắn hơn, cường độ đáp ứng mạnh hơn, thời gian duy trì đáp ứng dài hơn.

2.3.4. Sự điều hòa

Hệ thống miễn dịch tự điều hoà thông qua các thông tin do các tế bào tiết ra như phân tử bám dính, cytokin, Ig,…

2.3.5. Khả năng phân biệt bản chất kháng nguyên

Hệ miễn dịch của cơ thể có khả năng nhận biết kháng nguyên nào từ bên ngoài xâm nhập vào (kháng nguyên lạ) để khởi động đáp ứng miễn dịch loại bỏ.

3. Tầm quan trọng của việc sử dụng nhắc lại vắc xin cho trẻ

Việc sử dụng vắc-xin thực chất là chủ động tạo ra miễn dịch thu được cho cơ thể. Trẻ sau khi được sử dụng vắc-xin lần đầu, hệ miễn dịch được kích thích để tạo các đáp ứng miễn dịch đầu tiên, nhưng các đáp ứng này chưa đủ mạnh, chưa bền vững. Các đặc điểm cơ bản của đáp ứng miễn dịch đặc hiệu (đặc biệt là trí nhớ miễn dịch) được nêu ở trên là cơ sở để giải thích cho sự cần thiết và tầm quan trọng đối với việc sử dụng nhắc lại vắc-xin cho trẻ. Sử dụng nhắc lại chính là hành động để hệ miễn dịch của trẻ tiếp xúc lại với kháng nguyên đã gây mẫn cảm để tạo ra đáp ứng miễn dịch lần tiếp theo với cường độ mạnh hơn, thời gian đáp ứng nhanh hơn, thời gian duy trì kéo dài hơn (củng cố đáp ứng miễn dịch cho trẻ về cả hiệu lực và thời gian), bảo vệ cho trẻ trong tương lai khi gặp phải tác nhân gây bệnh thực sự.

Mỗi loại vắc xin khác nhau, mỗi nhà sản xuất khác nhau sẽ quy định cụ thể số lần sử dụng nhắc lại và thời điểm cần sử dụng nhắc lại (thậm chí ngay cả khi đã trưởng thành vẫn cần sử dụng nhắc lại vắc-xin, chẳng hạn như vắc xin uốn ván và vắc xin bạch hầu cần sử dụng nhắc lại sau mỗi 10 năm để duy trì hiệu lực bảo vệ của vắc-xin). Các bậc cha mẹ hãy tham vấn bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và nắm được lịch sử dụng vắc xin cho trẻ.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec