Chi tiết bài viết

Viêm xoang – căn bệnh của thời đại công nghiệp

Trước đây, viêm xoang được coi là căn bệnh của mùa lạnh. Nhưng hiện nay ngay cả khi thời tiết đã sang hè, viêm xoang vẫn gây phiền toái khiến nhiều người phải mệt mỏi. Bệnh viêm xoang ngày càng gia tăng không kiểm soát một phần là do khí hậu ngày càng ô nhiễm, thứ hai là do nhà máy tại các thành phố lớn như Tp.HCM mọc lên ngày càng nhiều khiến tình trạng ô nhiễm ngày một nghiêm trọng hơn.  Đây là những nguyên nhân chính khiến chúng ta phải nói rằng “Viêm xoang là căn bệnh của thời đại công nghiệp”. Vậy chúng ta cần làm gì để có thể tự bảo vệ mình trước thực trạng trên.

1. Trước tiên chúng ta cần phải hiểu viêm xoang là gì?

Xoang là các hốc rỗng nằm cạnh mũi và thông với mũi, bên trong được lót bởi 1 lớp niêm mạc liên tục với niêm mạc mũi. Khi đường thông này bị tắc do niêm mạc bị viêm và sưng lên, chất dịch trong xoang không có đường ra sẽ tích tụ lại trong xoang gây ra viêm mũi xoang cấp tính. Viêm xoang cấp thường do nhiễm virus đường hô hấp trên, do dị ứng hoặc nhiễm nấm. Những nguyên nhân đó gây viêm niêm mạc làm cho các niêm mạc sưng lên, vi khuẩn trong đó phát sinh, phát triển. Sự sưng phồng các niêm mạc làm cho dịch từ các xoang không thể thoát ra được. Mũi bị nghẹt làm khó thở, sốt cao, bị chảy nước mũi, bệnh chuyển từ cảm cúm sang viêm xoang.

2. Những biểu hiện thường gặp của người bị viêm xoang

Biểu hiện thường gặp khi bị viêm xoang là đau đầu, sốt nhẹ. Vùng quanh mắt nhức thành từng cơn, có thể đau theo nhịp mạch đập, ấn thấy đau phía dưới mắt. Khi thời tiết thay đổi mũi thường bị nghẹt, tắc mũi kéo dài, không phân biệt rõ các mùi, nhức đầu vùng xoang trán, giữa hai lông mày, sổ mũi, chảy nước mũi trong, sau tiến triển thành nhầy, đặc, hôi, đàm chảy xuống họng gây ngứa họng và kích thích ho. Người bệnh  không tập trung suy nghĩ được. Đôi khi ăn không ngon, ngủ không yên giấc, ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Sức đề kháng kém, suy giảm miễn dịch, suy yếu niêm mạc đường hô hấp…là nguyên nhân gây bệnh. Vách ngăn mũi bị vẹo hoặc có bướu trong mũi cũng gây ra viêm xoang. Môi trường ô nhiễm là nhân tố quan trọng nhất gây ra bệnh viêm xoang. Chính môi trường bị ô nhiễm do khói, bụi, thuốc lá đã tạo thuận cho viêm xoang phát triển. Sự nhiễm trùng và sự tích tụ chất nhầy của niêm mạc mũi xoang tạo điều kiện gây nhiễm trùng ngày càng nặng thêm.

3. Cần điều trị và phòng ngừa viêm xoang như thế nào?

Khi bị viêm xoang, người bệnh thường mắc sai lầm là điều trị không triệt để, đặc biệt là đối với những dạng xoang không rõ nét. Bệnh nhân cho là chỉ viêm mũi do cảm cúm, điều trị qua loa với vài viên kháng sinh hoặc thuốc giảm đau, chống dị ứng. Khi chữa theo cách này, bệnh có chiều hướng giảm nhưng sau đó lại tái phát rất nhanh. Không được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách, bệnh viêm xoang sẽ tiến triển nặng dần, kéo dài… Do vậy người bệnh cần lưu ý và cảnh giác những triệu chứng mệt mỏi kéo dài kèm theo nhức đầu ê ẩm, khó chịu. Một vài trường hợp  người bệnh bị viêm xoang ngay cả khi chưa có triệu chứng bệnh lý về mũi xoang.

Việc quan trọng để tránh viêm xoang vẫn là phòng tránh viêm mũi. Nên có biện pháp bảo vệ đường hô hấp, không nên ở những nơi không khí bị ô nhiễm (bụi, khói, thuốc lá…). Trường hợp  cơ thể bị dị ứng với một chất hay loại thức ăn nào đó, hãy tránh sử dụng hoặc tiếp xúc. Ăn uống đầy đủ để có sức đề kháng tốt đồng thời vệ sinh thân thể, siêng năng rửa tay, rửa mặt, không tắm ở nơi nước bẩn là những biện pháp phòng ngừa có hiệu quả. Khi đã bị viêm xoang, bắt buộc phải đến khám và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa Tai Mũi Họng, không được tự ý dùng thuốc hoặc ngưng điều trị khi chưa có chỉ định của bác sỹ.

Nguồn: Bloomaxx