Chi tiết bài viết

Cắt tử cung: Khi nào cần thực hiện?

Cắt bỏ tử cung đã trở thành một trong những loại phẫu thuật khá phổ biến hiện nay. Có thể thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tử cung, mức độ cắt bỏ tử cung sẽ phụ thuộc vào lý do phẫu thuật.

1. Cắt tử cung là gì?

Cắt bỏ tử cung là phương pháp phẫu thuật để loại bỏ tử cung thông qua vết rạch ở bụng dưới. Tử cung chính là nơi để thai nhi phát triển. Việc thực hiện phẫu thuật tử cung bao gồm cắt bỏ một hoặc cả hai buồng trứng và ống dẫn trứng. Đây chính là phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất ở phụ nữ.

Phương pháp cắt bỏ tử cung có thể được thực hiện thông qua cắt bỏ tử cung âm đạo hoặc phẫu thuật nội soi ổ bụng. Mức độ cắt bỏ tử cung sẽ phụ thuộc vào lý do phẫu thuật.

2. Cắt tử cung: khi nào cần thực hiện?

Việc thực hiện cắt bỏ tử cung là cần thiết nếu người bệnh mắc phải một trong những tình trạng sức khỏe sau:

  • Ung thư tử cung nếu bạn bị ung thư tử cung thì phẫu thuật cắt bỏ tử cung chính là lựa chọn điều trị tốt nhất. Tùy thuộc tiến triển của bệnh mà có thể thực hiện thêm các phương pháp điều trị khác như bức xạ hoặc hóa trị.
  • U xơ tử cung có kích thước lớn: cắt bỏ tử cung là chỉ định nhất định, giải pháp cho u xơ tử cung ( khối u lành tính tử cung gây ra chảy máu kéo dài, thiếu máu, đau vùng chậu hay áp lực bàng quang). Tùy thuộc vào mức độ khó chịu và kích thước khối u, các bác sĩ sẽ quyết định lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp. Thường thì khi khối u xơ tử cung có kích thước lớn, phương pháp cắt bỏ tử cung sẽ được chỉ định thực hiện.
  • Lạc nội mạc tử cung: lạc nội mạc tử cung, mô lót bên trong tử cung phát triển bên ngoài tử cung vào buồng trứng, ống dẫn trứng, hoặc các cơ quan vùng chậu hoặc vùng bụng khác. Nếu việc điều trị hay phẫu thuật không cải thiện được tình trạng lạc nội mạc tử cung thì cần thực hiện cắt bỏ tử cung với cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng.
  • Sa tử cung: tình trạng này xảy ra khi các dây chằng hỗ trợ và các mô suy yếu. Sa tử cung có thể dẫn đến việc tiểu tiện không tự chủ, áp lực vùng chậu gặp khó khăn với nhu động ruột. Việc thực hiện cắt bỏ tử cung là cần thiết.
  • Nhiễm trùng vùng tử cung: nhiễm trùng vùng tử cung khiến chảy máu âm đạo kéo dài. Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn diễn biến nặng nề, không thường xuyên hoặc kéo dài mỗi chu kỳ, thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tử cung có thể giúp giải quyết tình trạng chảy máu không được kiểm soát.
  • Vỡ tử cung: tình trạng tử cung bị xé rách tử niêm mạc qua lớp cơ. Vỡ tử cung có thể gây tổn thương đến cả bàng quang hoặc đường tiêu hóa. Khi vết thương nghiêm trọng, nham nhở, rộng và thời gian vỡ lâu thì phải thực hiện cắt tử cung.
  • Đau vùng chậu mãn tính: cắt tử cung có thể là phương pháp cuối cùng cần thiết để giải quyết tình trạng đau vùng chậu mãn tính. Trước khi thực hiện phẫu thuật này, cần đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe của người bệnh để xác định có nên thực hiện cắt tử cung hay không
  • Không muốn mang thai: nếu bạn không muốn mang thai nữa, bạn có thể thực hiện phương pháp cắt tử cung. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ đưa ra cho bạn nhiều sự lựa chọn khác. Trong trường hợp của bệnh nhân bị ung thư thì việc phẫu thuật cắt bỏ tử cung là lựa chọn duy nhất.

Trong khi thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tử cung, bác sĩ phẫu thuật có thể thực hiện phẫu thuật liên quan đến loại bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng

3. Các biến chứng có thể gặp sau khi cắt tử cung

Cắt bỏ tử cung là phương pháp an toàn, nhưng với bất kỳ cuộc phẫu thuật lớn nào đều tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nhất định.

Một số rủi ro liên quan đến phẫu thuật cắt bỏ tử cung bao gồm:

  • Cục máu đông
  • Nhiễm trùng
  • Chảy máu quá nhiều
  • Phản ứng với thuốc gây mê
  • Gây tổn thương đường tiết niệu, trực tràng, bàng quang hoặc cấu trúc xương chậu trong quá trình phẫu thuật
  • Bắt đầu sớm thời kỳ mãn kinh
  • Rất hiếm khi xảy ra nhưng có thể có nguy cơ tử vong trong quá trình phẫu thuật.

Tâm lý của phụ nữ bị ảnh hưởng rất nhiều. Nhiều người lo lắng sau khi thực hiện cắt tử cung, chính điều này đã gây ra những tác động tiêu cực cho quá trình điều trị, nảy sinh nhiều lo lắng trước phẫu thuật và kéo dài tình trạng suy nhược sau phẫu thuật. Họ mặc cảm bản thân, và cho rằng mất tử cung sẽ ảnh hưởng đến vấn đề sinh lý của bản thân. Tuy nhiên, cắt bỏ tử cung không làm giảm đi ham muốn tình dục của phụ nữ mà lý do chính là tâm lý không ổn định của nữ giới. Vì thế trước khi quyết định thực hiện cắt bỏ tử cung, vợ chồng cần giải thích và thông cảm cho nhau nhằm giúp phụ nữ ổn định tâm trạng.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec