Chi tiết bài viết

Cườm nước – Kẻ trộm thị giác giấu mặt

Bệnh glaucoma thường gọi là cườm nước: Nếu nhãn áp cao hơn mức chịu đựng của thị thần kinh nhưng không được điều chỉnh sẽ gây tổn thương thần kinh thị giác không phục hồi do đó đưa đến mù không phục hồi

Bệnh glaucoma ( thường gọi là bệnh cườm nước) : Nếu nhãn áp cao hơn mức chịu đựng của thị thần kinh nhưng không được điều chỉnh sẽ gây tổn thương thần kinh thị giác không phục hồi do đó đưa đến mù không phục hồi.


Mắt người hoạt động giống như một máy ảnh đời cũ. Đối với máy ảnh, ánh sáng đi vào máy xuyên qua lỗ màn trập và hệ thống thần kinh hội tụ rồi hội tụ ảnh trên phim. Sau đó, ta đem phim đi tráng sẽ cho hình ảnh. Đối với mắt, ánh sáng đi xuyên qua giác mạc, đồng tử, thủy tinh thể, rồi hội tụ lên võng mạc ( đó là phim của mắt) và sau đó các tín hiệu đi qua thần kinh thị giác lên vỏ não ( bộ phận xử lý, tráng phim) giúp ta nhận biết được hình ảnh.

 


1. Nhãn áp là gì?
Một số tổ chức của mắt như thủy tinh thể, giác mạc được nuôi dưỡng bởi một chất lỏng gọi là thủy dịch. Nhờ có sự lưu thông tuần hoàn thủy dịch trong mắt nên có dạng hình cầu và độ chắc nhất định ( gọi là nhãn áp)
Thủy dịch được tiết ra ở trong nhãn cầu sau đó thoát qua vùng bè, đi vào một ống thoát ( ống Schlemm) ở phần trước của mắt rồi được dẫn ra khỏi mắt. Nhãn áp bình thường khi lượng thủy dịch bình thường được tiết ra cân bằng với lượng dịch thoát ra ngoài. Nếu lượng dịch tiết ra nhiều hơn hoặc thoát ra khỏi mắt ít đi thì nhãn áp sẽ tăng lên. Nếu nhãn áp cao hơn mức chịu đựng của thị thần kinh nhưng không được điều chỉnh sẽ gây tổn thương thần kinh không phục hồi do đó đưa đến mù không phục hồi – Đó là bệnh glaucoma ( thường gọi là cườm nước). Nhãn áp càng cao thì thị thần kinh tổn thương càng nhanh, nhãn áp cao ít thì thị thần kinh vẫn bị tổn thương nhưng diễn biến từ từ gây mất thị giác từ từ nếu không điều trị.

 


2. Có mấy loại glaucoma- cườm nước? Có 4 loại
Glaucoma cấp ( thiên đầu thống): cơn glaucoma cấp xảy ra khi thủy dịch thoát ra mắt bị tắt nghẽn hoàn toàn và đột ngột, thủy dịch không đến được các ống thoát ( hình 4). Mắt trở nên đau nhức, đỏ, nhìn mờ, thường kèm đau nữa đầu bên mắt bệnh, có thể buồn nôn, nôn. Ở giai đoạn sớm có thể thấy những quầng sáng quanh ánh đèn. Có khi rất đau và có thể mù hoàn toàn không phục hồi nếu không được điều trị sớm, tích cực và thích hợp. Một số trường hợp glaucoma cấp không đau đột ngột mà có từng cơn đau vừa phải, thường về chiều kèm đỏ mắt ít, nhìn mờ nhẹ, thấy quầng ánh sáng quanh ánh đèn. Trường hợp này, bạn nên khám bác sĩ mắt để kiểm tra cườm mắt.


Glaucoma mạn tính: Thường gặp nhất, khi các ống dẫn thủy dịch thoát khỏi mắt bị nghẽn từ từ qua nhiều năm, nhãn áp bắt đầu tăng lên từ từ qua nhiều năm, nhưng mắt không đau, thị lực không giảm, nhưng thị trường của mắt bị thu hẹp dần và không hồi phục. Đến khi phát hiện do mờ mắt hoặc thị trường nhỏ quá thì đã muộn. Nên glaucoma mạn tính còn được gọi là “ kẻ trộm thị giác giấu mặt”. Tuy nhiên, nếu bệnh được chẩn đoán sớm hoặc kiểm tra định kỳ thì thương tổn có thể giữ ở mức thấp nhất có thể.


Glaucoma thứ phát: glaucoma xảy ra do một nguyên nhân khác làm tăng nhãn áp được gọi là glaucoma thứ phát. Glaucoma thứ phát có thể xảy ra khi phẫu thuật mắt hoặc do đục thủy tinh thể chín hoặc quá chín, sau chấn thương mắt, do viêm màng bồ đào, một số loại u mắt…. Bệnh lý tiểu đường, tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc có thể đưa đến biến chứng glaucoma tâm mạch.
Dùng thuốc có steroid kéo đặc biệt là nhỏ thuốc có steroid kéo dài có thể gây bệnh glaucoma. Đây là nguyên nhân glaucoma và đục thủy tinh thể thứ phát thường gặp( nhưng có thể ngăn ngừa được) do người dân thường tự ý mua thuốc nhỏ mắt kéo dài.


Glaucoma bẩm sinh ( lồi mắt trâu): hơn 80% các trường hợp được chẩn đoán trong 3 tháng đầu đời, do bất thường ở góc tiền phòng làm tắc nghẽn dẫn lưu thủy dịch


3. Cần các xét nghiệm gì để chẩn đoán bệnh glaucoma?
Khám đáy mắt- chụp hình gai thị: để đánh giá tình trạng gai thị, mức độ teo và lõm gai. Đo nhãn áp để biết nhãn áp có cao hay không và mức độ cao như thế nào. Ngoài ra còn so sánh nhãn áp của hai mắt, nếu nhãn áp bình thường nhưng chênh lệch ở hai bên nhiều thì cũng là bất thường cần cảnh giác. Đo thị trường và đo bề dày lớp sợi thần kinh là một trong những xét nghiệm để phát hiện glaucoma sớm nhất hiện nay.
Mục đích của điều trị glaucoma hiện nay là để cho thị thần kinh không bị tổn thương thêm chứ không phải phục hồi lại những thần kinh thị giác đã bị tổn thương bằng cách hạ nhãn áp ( bằng thuốc, laser hoặc phẫu thuật) xuống tới mức bình thường và đủ sức chịu đựng được của thị thần kinh.


4. Điều trị glaucoma mạn tính:

thông thường, các bác sĩ cố gắng hạ nhãn áp xuống 30%- 50% so với trước khi điều trị. Ban đầu nên dùng thuốc hạ nhãn áp, bắt đầu thường dùng một hoặc hai loại thuốc. Sau một thời gian điều trị tác dụng của thuốc sẽ giảm, lúc đó bác sĩ sẽ cân nhắc để phối hợp thêm một hoặc hai loại thuốc nữa. Nếu dùng thuốc không đủ hiệu quả thì phải xem xét đến điều trị bằng laser hoặc phẫu thuật.


Điều trị cườm nước cấp tính: khi cơn đau cấp xảy ra bạn phải đến bệnh viện ngay lập tức. Cơn đau và nhãn áp của bạn phải được kiểm soát càng sớm càng tốt. Nếu được điều trị tích cực thì cơn đau cấp tính thường sẽ được kiểm soát trong vòng vài giờ, mắt bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn và thị lực bắt đầu phục hồi. Khi viêm và đau giảm, bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên phải làm gì tiếp theo. Có thể chỉ cần dùng laser để tạo một lỗ nhỏ ở mống mắt để thủy dịch thoát lưu và không phải bị cơn cấp nữa. Hoặc đôi khi phải cần phẫu thuật tạo lỗ dò để hạ nhãn áp.
 

Hình ảnh bình thường và của người bệnh cườm nước

 

5. Những người nào có nguy cơ bị cườm nước?
Mặc dù ai cũng có thể bị glaucoma nhưng có một số người có nguy cơ cao hơn những người khác.
Tuổi: Ở Anh quốc, khoảng 1% người dân trên 40 và khoảng 5% người dân trên 65 tuổi bị bệnh glaucoma; ở Úc, 10% người trên 80 tuổi bị glaucoma.
Chủng tộc: Người Châu Á thường bị glaucoma cấp hơn.
Tiền sử gia đình: Nếu bạn có cha, mẹ, anh chị bị glaucoma thì bạn cần kiểm tra định kỳ đều đặn, nếu bạn trên 40 tuổi.
Cận thị: người bị cận thị dẽ bị glaucoma hơn.
Viễn thị: Người bị viễn thị dễ bị glaucoma góc đóng hơn bình thường.
Tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh glaucoma


6. Theo dõi bệnh nhân glaucoma như thế nào?
Vì glaucoma trở nên dễ mắc khi có tuổi nên những người trên 40 nên tầm soát glaucoma định kỳ. Tần suất và mức độ theo dõi bệnh nhân phụ thuộc vào tuổi, mức nhãn áp, mức độ lõm gai thị, tiền sử gia đình glaucoma, có hay không các yếu tố nguy cơ kèm theo, mức độ đáp ứng thuốc cũng như ổn định của bệnh trên người bệnh và trên các xét nghiệm.
Nhìn chung, đối với người đã bị glaucoma, nên kiểm tra nhãn áp mỗi 3 tháng đến 12 tháng, nên đo thị trường mỗi 6 đến 12 tháng, nếu phát hiện có bất thường nghi ngờ thì cũng nên kiểm tra lại sau đó 1 tháng, soi góc tiền phòng và kiểm tra gai thị nên làm hàng năm. Bệnh nhân cần phải giữ các kết quả chẩn đoán hình ảnh của các lần khám bệnh để có sự so sánh cho các lần khám sau.

Nguồn: Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh