Chi tiết bài viết

Xơ vữa động mạch là gì?

1. Xơ vữa động mạch là gì?

Xơ vữa động mạch là tổn thương trong đó một khối vật chất bất thường tạo thành bên trong động mạch, nó bám lên thành động mạch làm cho lòng động mạch bị hẹp lại, hậu quả là sự vận chuyển máu trong cơ thể bị cản trở, thiếu máu nuôi các bộ phận cơ thể do động mạch chi phối.

Xơ vữa động mạch là tổn thương trong đó một khối vật chất bất thường tạo thành bên trong động mạch, nó bám lên thành động mạch làm cho lòng động mạch bị hẹp lại, hậu quả là sự vận chuyển máu trong cơ thể bị cản trở, thiếu máu nuôi các bộ phận cơ thể do động mạch chi phối.

2. Tại sao lại bị xơ vữa động mạch?

Xơ vữa động mạch là sự thu hẹp của động mạch do các mảng bám được tạo thành trong lòng mạch máu. Xơ vữa động mạch có thể xảy ra, ảnh hưởng đến bất kỳ động mạch nào trong cơ thể, bao gồm cả động mạch ở tim, não, cánh tay, chân, xương chậu và thận.

Đến nay, khoa học vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây xơ vữa động mạch. Các nghiên cứu cho thấy rằng, xơ vữa động mạch là một bệnh tiến triển chậm và phức tạp có thể bắt đầu trong thời thơ ấu, phát triển nhanh hơn khi cao tuổi. Xơ vữa động mạch có thể bắt đầu xảy ra khi các lớp bên trong của động mạch bị tổn thương bởi các yếu tố: hút thuốc lá thuốc lào; số lượng một số chất béo và cholesterol trong máu tăng hơn bình thường; bị bệnh tăng huyết áp; mức đường trong máu cao hơn bình thường; hít phải khói thuốc lá rất nhiều sẽ làm trầm trọng thêm và đẩy nhanh sự phát triển của xơ vữa động mạch trong động mạch vành, động mạch chủ và động mạch ở chân; người ít hoạt động thể chất; người có thói quen ăn ít rau, ăn nhiều chất béo bão hòa, ăn mặn, ăn quá ngọt; người có cha mẹ hoặc anh chị em bị xơ vữa động mạch; bệnh nhân bị bệnh tim mạch; ô nhiễm không khí… Do thành mạch bị tổn thương, cùng với thời gian, chất béo, cholesterol, tiểu cầu, tế bào mảnh vỡ và canxi lắng đọng trên thành động mạch. Các chất này có thể kích thích các tế bào của thành động mạch tạo ra các chất khác tiếp tục làm dày khối xơ vữa dẫn đến có nhiều tế bào tích tụ trong lớp áo trong của thành động mạch, nơi có tổn thương xơ vữa động mạch. Các tế bào này tích lũy lại, trong đó có nhiều tế bào vỡ ra. Đồng thời, chất béo cũng đọng lại xung quanh các tế bào này. Các mảng xơ này có thể dính lại với nhau hình thành cục máu đông.

3. Biểu hiện của xơ vữa động mạch là gì?

Xơ vữa động mạch là một bệnh diễn tiến chậm, âm thầm và thường không có dấu hiệu ban đầu nên hầu hết người bệnh đều không biết mình có bệnh cho đến khi động mạch bị hẹp một cách trầm trọng hoặc bị tắc hoàn toàn một động mạch. Nguy hiểm hơn, đến khi phải đi cấp cứu khẩn cấp như đau tim hay đột quỵ bệnh nhân mới biết mình bị bệnh. Một số người chú ý đến sức khỏe có thể phát hiện được các triệu chứng như đau ngực hoặc phát ban. Nhìn chung, các triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào động mạch bị tổn thương. Xơ vữa động mạch cảnh là động mạch cung cấp máu lên não, khi bị hẹp có thể bị đột quỵ với triệu chứng: đột ngột suy yếu, khó thở, nhức đầu, nói khó, tê liệt, nhìn khó một mắt hoặc cả hai mắt.

Xơ vữa động mạch vành là động mạch cung cấp máu nuôi tim, nếu sự cung cấp máu đến tim bị thiếu, có thể gây đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim, với các triệu chứng: nôn mửa, hốt hoảng, đau ngực, ho…

Xơ vữa động mạch thận là động mạch cung cấp máu đến thận, nếu việc cung cấp máu bị hạn chế sẽ gây tổn thương thận mạn tính. Bệnh nhân có các triệu chứng: mất cảm giác ngon miệng, phù bàn tay và bàn chân, khó tập trung…

Xơ vữa động mạch ngoại biên là các động mạch chân tay, hay gặp ở động mạch chân bị xơ vữa. Các triệu chứng phổ biến nhất là đau chân ở một hoặc cả hai chân, vị trí ở bắp chân, đùi và mông. Tính chất đau: nặng nề ở chi dưới, chuột rút, các cơ bắp chân. Các triệu chứng khác có thể là: rụng lông chân, ở nam có rối loạn cương dương, tê ở chân, màu sắc của da chân thay đổi, chân yếu…

Khám thấy âm thổi đó là một dấu hiệu của mạch máu bị hẹp dẫn tới việc thay đổi dòng chảy trong mạch; giảm huyết áp ở chi; phình mạch ở gối và bụng; mất mạch hoặc giảm cường độ của mạch; siêu âm, chụp cắt lớp thấy tổn thương xơ vữa động mạch. Do thiếu máu làm cho vết thương ở chi lâu lành…

4. Điều trị và phòng bệnh xơ vữa động mạch như thế nào?

Mục đích điều trị nhằm làm giảm triệu chứng, giảm các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch; giảm nguy cơ hình thành cục máu đông; phòng ngừa xơ vữa động mạch… Bệnh nhân cần thực hiện ăn uống lành mạnh, năng hoạt động thể chất, phòng tránh thừa cân. Điều trị nội khoa: dùng thuốc để ngăn chặn sự hình thành mảng xơ vữa, dùng các thuốc để giảm cholesterol, thuốc hạ huyết áp…

Phẫu thuật để điều trị các trường hợp xơ vữa động mạch nặng, nong mạch vành hoặc bắc cầu động mạch vành…

Phòng tránh xơ vữa động mạch bằng các biện pháp: ăn thực phẩm giàu chất xơ, giảm ăn mặn, giảm các loại thức ăn có nhiều cholesterol; hạn chế uống rượu bia; tập thể dục đều đặn hàng ngày; bỏ hút thuốc lá thuốc lào; tránh căng thẳng về thể chất và tinh thần…            

Nguồn: Sức khoẻ Đời sống