Chi tiết bài viết

Vì sao chúng ta bị dị ứng thời tiết?

Các triệu chứng dị ứng thời tiết xuất hiện quanh năm, đặc biệt là thời điểm giao mùa. Dù bệnh lý không ảnh hưởng nặng đến sức khỏe, tuy nhiên dị ứng thời tiết gây ra cảm giác khó chịu cho người mắc bệnh.

1. Dị ứng thời tiết là gì?

Hiện nay, dị ứng thời tiết là bệnh lý rất thường gặp trong đời sống hàng ngày. Đa số mọi người bị dị ứng thời tiết bởi các yếu tố thời tiết, nhiệt độ thay đổi thất thường. Khi mắc bệnh, người bệnh sẽ có các biểu hiện như da mẩn đỏ, ngứa, nổi mề đay, và có các mức độ ảnh hưởng khác nhau.

Một số trường hợp dị ứng thời tiết khác còn đi kèm theo các vấn đề hô hấp, mũi họng…khiến cho người bệnh gặp khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

2. Dấu hiệu khi bị dị ứng thời tiết

  • Da ửng đỏ xuất hiện kèm theo ngứa dai dẳng, có dấu hiệu mề đay trên da. Tùy thuộc vào sức khỏe, sức đề kháng và mức độ dị ứng của người bệnh, mỗi đợt da ửng đỏ sẽ có thời gian bùng phát nhất định.
  • Nổi mề đay: Song song xuất hiện với dấu hiệu mẩn ngứa. Các trường hợp này thường xuất hiện dấu hiệu phù, mảng mề đay dày cộm, có màu trắng hoặc hồng. Sau khoảng thời gian ngắn khi da tiếp xúc với các yếu tố thời tiết như mưa lạnh, độ ẩm không khí cao…da sẽ nổi mề đay.
  • Nổi mề đay cấp tính: khiến cho người bệnh trở nên khó thở, huyết áp bị giảm nhanh, đột ngột. Nổi mề đay cấp tính gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe do đó cần phải can thiệp sớm khi xuất hiện những dấu hiệu này.
  • Chàm bội nhiễm: các bệnh nhân sẽ có dấu hiệu dị ứng, nổi mẩn đỏ, có vảy gầy đầu, khuỷu tay, đầu gối và mặt. Mỗi đợt chàm bội nhiễm xuất hiện thường kéo dài và ảnh hưởng tới làn da của người bệnh. Để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và ngăn ngừa chàm bội nhiễm tiến triển nặng hơn cần phải can thiệp sớm.
  • Phát ban: đây là triệu chứng thường gặp khi bị dị ứng thời tiết khi nóng lạnh thất thường. Khi bị phát ban, da sẽ trở nên sần sùi, ngứa ngáy và khó chịu. Với các trường hợp nặng hơn, khi tiếp xúc với điều kiện thời tiết bất thường, người bệnh còn cảm thấy mệt mỏi, tụt huyết áp. Nếu người bệnh gãi trên da theo phản xạ tự nhiên thì các nốt mẩn đỏ sẽ lan rộng ra và khiến cho bệnh càng trở nên trầm trọng.
  • Viêm mũi dị ứng: triệu chứng này dễ gặp ở những người bệnh có cơ địa dị ứng thời tiết. Khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ cảm thấy khô vùng mũi họng, ngứa ngáy vùng mũi, mắt khó chịu, hắt hơi, khò khè, khó thở…Người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy khó chịu vùng mũi theo từng đợt, kéo dài khoảng từ 20-30 phút. Tùy thuộc vào mức độ dị ứng nặng nhẹ khác nhau mà tần suất xuất hiện các đợt viêm mũi dị ứng cũng khác nhau.
  • Ho và đau đầu: Khi thời tiết thay đổi , nóng sang lạnh hay lạnh sang nóng khiến cho các mạch máu não giãn ra, tạo thành cảm giác đau đầu. Bên cạnh đó, sự co giãn các mạch máu vùng họng, sự xâm nhập của không khí lạnh vào vùng họng cũng tạo ra các đợt ho kéo dài suốt thời gian dị ứng. Các đợt ho và đau đầu kéo dài trong một thời điểm nhất định.

3. Vì sao chúng ta bị dị ứng thời tiết?

Rối loạn hệ miễn dịch trong cơ thể là nguyên nhân chính dẫn đến dị ứng thời tiết. Từ đó sẽ xuất hiện các phản ứng dị ứng, sản sinh ra hàng loạt các tế bào bạch cầu nhằm chống lại các yếu tố kích ứng từ môi trường bên ngoài, gây hại tới cơ thể. Cơ chế sản sinh histamine cũng là hoạt động quan trọng trong hệ miễn dịch cũng gây ảnh hưởng nhất định đến tình trạng dị ứng.

Người bị dị ứng thời tiết khi tiếp xúc với các yếu tố bất lợi sẽ xuất hiện các triệu chứng dị ứng rất nhanh.

4. Khi bị dị ứng thời tiết nên làm gì?

Không thể chữa trị dứt điểm khi bị dị ứng thời tiết vì nó liên quan tới cơ địa và hệ miễn dịch của từng người. Sẽ có những trường hợp rất dễ bị dị ứng thời tiết, nhưng cũng có những người không bị. Đối với người bị dị ứng thời tiết chỉ có giải pháp điều trị theo từng đợt và hạn chế tiếp xúc với yếu tố thời tiết bất lợi.

Hiện nay, các chuyên gia khuyến khích phòng ngừa dị ứng đi kèm các biện pháp điều trị cắt cơn dị ứng ở mỗi đợt bùng phát.

5. Cách chữa trị khi bị dị ứng thời tiết

Đối với các trường hợp nhẹ, người bệnh có thể dùng khoai tây để thoa lên vùng da bị dị ứng 2 lần/ ngày. Hoặc có thể dùng chanh pha với mật ong và nước ấm để uống vào buổi sáng để cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể.

Ngoài ra, nên tăng cường uống nước ép trái cây, nước trà xanh để tăng sức đề kháng của cơ thể.

Hạn chế tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa, tuyệt đối không hút thuốc lá hoặc đồ uống có cồn để tránh kích thích tình trạng dị ứng trở nên trầm trọng.

Khi các biện pháp giảm dị ứng không có kết quả, người bệnh nên đến ngay tới các bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh sẽ có những biến chứng không mong muốn nếu tình trạng dị ứng kéo dài.

Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải bệnh dị ứng thời tiết, nó không chỉ khiến cho người bệnh khó chịu mà còn ảnh hưởng tới cuộc sống và gây nên cả những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi các triệu chứng trở nên nặng hơn, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để tìm ra giải pháp chữa trị phù hợp và hiệu quả nhất.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec