Chi tiết bài viết

Xuất huyết não có chữa được không?

 Lo sợ bị đe dọa tính mạng nếu mắc bệnh, rất nhiều người muốn tìm hiểu xuất huyết não có chữa được không. Xuất huyết não hay xuất huyết nội sọ là một dạng đột quỵ nguy hiểm và không may lại xảy ra khá nhiều. Vậy bị xuất huyết não có chữa được không?

1. Vậy xuất huyết não có chữa trị được không ?

Tình trạng này cần được điều trị theo hướng cấp cứu ngay lập tức, trong đó một số người có cơ hội hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân sẽ bị thương tật vĩnh viễn, thậm chí có nguy cơ tử vong dù được điều trị kịp thời. 

Biến chứng do xuất huyết não có thể bao gồm đột quỵ, mất chức năng não, chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các tác dụng phụ của thuốc hoặc phương pháp điều trị.

Bệnh xảy ra khi máu đột nhiên tràn vào mô não, gây tổn thương não. Khi máu từ tổn thương kích thích các mô não thì sẽ gây ra phù não, máu tập trung thành một khối gọi là tụ máu. Tình trạng này làm tăng áp lực lên các mô xung quanh, cuối cùng tiêu diệt các tế bào não.

Chảy máu có thể xảy ra bên trong, giữa và màng bao bọc não, giữa các lớp màng não hoặc giữa hộp sọ và phần bao ngoài của não.

2. Những biểu hiện của tình trạng xuất huyết não:

Để biết rõ xuất huyết não có chữa được không, trước hết cần nhận biết các triệu chứng báo hiệu bệnh sau đây:

-Nhức đầu dữ dội và đột ngột

-Yếu một cánh tay hoặc chân

-Buồn nôn, nôn mửa

-Mất tỉnh táo, hôn mê

-Khó nói hoặc khó hiểu được lời nói

-Khó nuốt, có vị lạ trong miệng

-Khó đọc hoặc viết

-Có vấn đề về tầm nhìn ở một hoặc cả hai mắt

-Chóng mặt, mất thăng bằng và không thể phối hợp vận động

-Mê sảng, lú lẫn

3. Nguyên nhân nào gây xuất huyết não?

Có khá nhiều lý do dẫn đến tình trạng xuất huyết não, bao gồm:

-Chấn thương vùng đầu: Chấn thương là nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy máu trong não ở những người dưới 50 tuổi.

-Tăng huyết áp: Tình trạng này làm suy yếu thành mạch máu. Tăng huyết áp dễ trở thành nguyên nhân chính gây xuất huyết não nếu không điều trị kịp thời.

-Phình động mạch: gây suy yếu thành mạch máu, khiến chúng có thể vỡ và chảy máu vào não, dẫn đến đột quỵ.

-Dị dạng động tĩnh mạch: Sự suy yếu các mạch máu trong và xung quanh não có thể xuất hiện từ lúc sơ sinh, nhưng chỉ có thể phát hiện được khi có triệu chứng.

-Bệnh mạch máu dạng bột: Sự bất thường của các thành mạch máu, đôi khi xảy ra cùng với sự lão hóa và tăng huyết áp.

-Rối loạn đông máu: Số lượng tiểu huyết cầu có thể bị giảm sút do bệnh hemophilia và bệnh hồng cầu hình liềm – các vấn đề của rối loạn đông máu gây ra.

-Bệnh gan, u não

4. Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao?

Bệnh xuất huyết não cực kỳ phổ biến và có thể ảnh hưởng bệnh nhân ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên có một số đối tượng dễ mắc bệnh hơn bao gồm:

-Người mắc bệnh về tim mạch (tăng huyết áp, tai biến mạch máu não…)

-Nam giới mắc bệnh nhiều hơn phụ nữ.

-Người trẻ tuổi và trung niên.

5. Làm thế nào để chẩn đoán và điều trị xuất huyết não?

-Chẩn đoán: Ngoài việc chẩn đoán bệnh dựa vào các biểu hiện bên ngoài của bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Trong đó bao gồm chụp CT (giúp phát hiện xuất huyết nội hoặc máu tụ) hoặc chụp cộng hưởng từ MRI. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể thực hiện khám thần kinh hoặc khám mặt để giúp phát hiện tình trạng phù dây thần kinh thị giác.

-Điều trị: Có một số phương pháp điều trị khác nhau cho căn bệnh này, áp dụng cách nào sẽ tùy thuộc vào mức độ triệu chứng, tình trạng bệnh nhân. Các phương pháp điều trị bao gồm:

+Phẫu thuật: Mục đích của phẫu thuật điều trị xuất huyết não là giảm phù và ngăn chặn, phòng tránh tình trạng chảy máu. Có thể thực hiện phẫu thuật mở sọ hoặc chọc hút theo hướng dẫn của quang tuyến tùy thuộc vào vị trí của cục máu đông. 

+Dùng thuốc: Một số loại thuốc có thể được chỉ định bao gồm thuốc giảm đau, corticoid hoặc thuốc lợi tiểu giúp giảm phù, hoặc thuốc chống co giật để kiểm soát co giật.

-Điều trị hỗ trợ dài hạn: Điều trị lâu dài là cần thiết nhằm khắc phục tổn thương não. Người bệnh có thể được tập vật lý trị liệu, tập nói và một số liệu pháp khác theo chỉ định của bác sĩ.

-Không tự ý dùng thuốc, nếu cần dùng hãy hỏi ý kiến bác sĩ.

6. Cần chế độ sinh hoạt nào để hỗ trợ điều trị xuất huyết não?

Chế độ sinh hoạt tốt cho bệnh nhân xuất huyết não cần hướng vào mục tiêu kiểm soát tốt huyết áp. Bởi tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây xuất huyết não. Việc kiểm soát huyết áp được thực hiện thông qua chế độ ăn uống, tập thể dục và dùng thuốc.

Người bệnh cần chú ý:

-Nếu bị bệnh tiểu đường, cần đảm bảo kiểm soát tốt tình trạng bệnh.

-Không hút thuốc lá, tránh xa các chất kích thích, đặc biệt chất độc hại như cocaine vì có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết não.

-Lái xe cẩn thận, nếu mệt mỏi không nên cầm lái. Luôn đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy.

-Sinh hoạt, ăn uống điều độ, khoa học

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc