Chi tiết bài viết

Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết thoái hóa khớp gối là gì?

THOÁI HOÁ KHỚP GỐI

Thoái hóa khớp gối là bệnh lý thường gặp ở người trung niên và người cao tuổi. Bệnh không chỉ gây nhiều cơn đau nhức dai dẳng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến việc đi lại khó khăn hơn, thậm chí còn làm teo cơ, biến dạng khớp, bại liệt nếu không điều trị kịp thời.

  1. Thoái hóa khớp gối là bệnh gì?

Thoái hóa khớp gối là tình trạng sụn khớp bị bào mòn, khô khớp gây mất khả năng đàn hồi do thiếu chất dịch bôi trơn. Nếu không được điều trị kịp thời có thể làm biến đổi bề mặt khớp, sụn hư hỏng hoàn toàn khiến 2 đầu khớp tiếp xúc với nhau hình thành nên gai xương, dẫn đến biến dạng khớp, bại liệt chân.

Trên thực tế, bệnh thoái hóa khớp gối thường có những đặc điểm sau:

  • Bệnh xảy ra phổ biến ở người trung niên và cao tuổi, tuy nhiên người trẻ tuổi vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
  • Tỷ lệ nữ giới mắc bệnh cao hơn so với nam giới, chiếm đến 80% trên tổng số người bị bệnh.
  • Bệnh xảy ra không chỉ do tuổi tác cao mà còn do nhiều nguyên nhân khác nhau.
  • Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng vận động, đi lại của người bệnh.
  1. Dấu hiệu nhận biết thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối là tình trạng hư hỏng sụn và sụn chêm giữa hai đầu xương do lão hóa khớp hoặc gặp chấn thương, khiến bề mặt sụn sần sùi, tăng ma sát khi hoạt động, lượng dịch nhầy tiết ra giảm làm khớp kém linh động, xơ cứng khớp. Thông thường, bệnh có các dấu hiệu nhận biết sau:

Đau khớp gối đột ngột trong thời gian ngắn hoặc đau kéo dài nhiều tháng liên tục. Cơn đau thường xảy ra ở mặt trước hoặc bên trong khớp, đau tăng khi vận động và di chuyển đi lại, giảm đau khi nghỉ ngơi.

Ban đầu cảm thấy đau nhẹ, đau âm ỉ nhưng không liên tục, xuất hiện khi làm các động tác như đứng lên ngồi xuống, leo cầu thang, ngồi xổm, quỳ gối, vận động mạnh,… Càng về lâu dài, mức độ đau và thời gian xuất hiện cũng tăng theo.

Việc di chuyển, chơi thể thao, lao động hay vận động mạnh bị hạn chế, đặc biệt là các thao tác có sự tác động trực tiếp lên đầu gối như gập, duỗi chân, chạy nhanh,…

Khớp gối xuất hiện tiếng lạo xạo hoặc lục cục khi cử động. Khớp thường bị cứng vào buổi sáng, có thể phải mất vài phút xoa bóp nhẹ nhàng hoặc cả tiếng đồng hồ mới có thể đi đứng bình thường trở lại.

Khớp đầu gối sưng to, chạm hoặc ấn mạnh gây đau dữ dội, chân có dấu hiệu bị lệch trục kiểu vòng kiềng hoặc kiểu chân chữ X. Nếu để lâu không khắc phục có thể làm khớp mất chức năng vận động, biến dạng khớp.

  1. Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối

Khớp gối là một trong những khớp động dễ gặp chấn thương, do phải hoạt động liên tục và chịu toàn bộ sức nặng của cơ thể, vì thế mà tốc độ thoái hóa khớp diễn ra nhanh. Ngoài ra, bệnh còn có thể xảy ra do các nguyên nhân sau:

Vấn đề về tuổi tác: Tuổi càng cao thì quá trình lão hóa diễn ra càng nhanh, khả năng tổng hợp các chất dinh dưỡng cũng như sự đàn hồi, vận động của sụn khớp giảm dần, sụn dễ bị bào mòn, xơ cứng gây thoái hóa khớp.

Do chấn thương: Tai nạn giao thông, tai nạn lao động, té ngã, va đập mạnh vào vùng đầu gối,… đều có thể gây tổn thương khớp (viêm khớp, trật khớp, dính khớp,…) dẫn đến tình trạng thoái hóa khớp.

Chế độ ăn uống: Nếu chế độ ăn uống không cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể có thể khiến khớp yếu và nhanh thoái hóa. Ngoài ra, ăn uống bất hợp lý gây béo phì, thừa cân sẽ tạo áp lực lớn lên khớp đầu gối, lâu ngày làm tổn thương khớp và đẩy nhanh tốc độ thoái hóa khớp gối.

Việc sử dụng thuốc: Tác dụng phụ của một số loại thuốc giảm đau, kháng sinh có thể làm giòn xương và mòn sụn khớp, khiến khớp đầu gối dần bị thoái hóa và hư tổn nặng nề.

Ngoài ra, phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh hoặc gặp vấn đề bất thường về nội tiết tố, lượng estrogen thay đổi, thường xuyên mang giày cao gót,… có nguy cơ bị thoái khớp gối cao hơn người bình thường.

  1. Tác hại của thoái hóa khớp gối

Nếu bệnh phát triển nặng có thể khiến dịch khớp khô, mức độ ma sát ngày càng tăng, gây đau nhức liên tục không có dấu hiệu giảm, ngay cả khi không vận động. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây ra những tác hại sau:

Đi lại khó khăn: Đây là di chứng xảy ra phổ biến nhất, bởi thoái hóa khớp gối thường làm phần gối bị cong, lệch vào trong hoặc lệch ra ngoài, khiến chân có dấu hiệu bên cao bên thấp.

Teo cơ và chi: Khi bị thoái hóa khớp gối, việc di chuyển khá khó khăn nên người bệnh sẽ ít đi lại và hạn chế vận động, lâu ngày khiến khớp yếu hơn, lực chân giảm rõ rệt, các cơ ở khớp dần bị teo và biến dạng.

Bại liệt chân: Nếu bệnh thoái hóa khớp gối không được điều trị kịp thời và áp dụng phương pháp có thể làm khớp dần bị teo, gây bại liệt chi dưới, mất khả năng lao động và đi lại.

 

Nguồn: Phòng khám PCC