Chi tiết bài viết

Tại sao có máu trong nước tiểu?

Có máu trong nước tiểu (Hematuria) thường không phải là một tình trạng cấp cứu khẩn.

Tuy nhiên, có máu trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng. Do đó, bạn không nên lơ là tình trạng này. Mọi trường hợp tiểu máu đều nên được bác sĩ thăm khám và làm xét nghiệm xác định chẩn đoán, loại trừ.
Không có điều trị đặc hiệu, vì tiểu ra máu chỉ là một triệu chứng chưa phải là bệnh lý cụ thể. Điều trị chủ yếu tập trung vào nguyên nhân. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân không cần điều trị gì.
1. Tại sao có máu trong nước tiểu?
Máu trong nước tiểu có thể từ thận, nơi tạo ra nước tiểu. Máu cũng có thể từ những cấu trúc khác của đường tiết niệu:
•    Niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang)
•    Bàng quang (nơi nước tiểu được lưu giữ)
•    Niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể)
2. Các triệu chứng đi kèm với máu trong nước tiểu là gì?
Dấu hiệu có máu trong nước tiểu là triệu chứng rõ ràng. Thay vì nước tiểu có màu vàng nhạt như bình thường, nước tiểu lại có màu hồng, đỏ, đỏ nâu hay màu trà. Bác sĩ gọi đây là tình trạng tiểu máu đại thể.
Đôi khi máu trong nước tiểu không thể thấy bằng mắt thường, và sự xuất hiện của các tế bào máu chỉ có thể được phát hiện qua xét nghiệm. Tình trạng này gọi là tiểu máu vi thể. Nó chỉ được phát hiện khi mẫu máu được xét nghiệm bằng một que thử và khẳng định lại dưới kính hiển vi.
Tiểu máu có thể không kèm triệu chứng nào khác. Tuy nhiên, tùy theo nguyên nhân, có thể có vài triệu chứng khác đi kèm có thể từ nhẹ đến nặng:
•    Nhiễm trùng bàng quang (viêm bàng quang cấp tính). Ở người trưởng thành, khi bị nhiễm trùng bàng quang, bạn cảm thấy rát hay đau khi đi tiểu. Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng bàng quang có thể bị sốt, cáu kỉnh và kén ăn. Trẻ lớn hơn thì bị sốt, đau và rát khi đi tiểu liên tục và đau ở vùng bụng dưới.
•    Nhiễm trùng thận (viêm bể thận). Triệu chứng gồm sốt, ớn lạnh, đau hạ sườn, có thể đau vùng dưới thắt lưng.
•    Sỏi thận. Triệu chứng gồm đau bụng dữ dội hoặc đau vùng chậu
•    Bệnh thận. Triệu chứng gồm mệt mỏi, cao huyết áp, phù toàn thân và quanh hốc mắt.
3. Nguyên nhân tiểu máu là gì?
•  Nhiễm trùng bàng quang hay thận
•  Sỏi bàng quang hay sỏi thận
•  Một số bệnh liên quan đến thận như nhiễm viêm vi cầu thận
•  Phì đại tuyến tiền liệt (có thể là tăng sinh lành tính, cũng có thể là ung thư )
•  Những bệnh di truyền như thiếu máu hồng cầu hình liềm, và bệnh nang thận
•  Ảnh hưởng của một số loại thuốc như thuốc giảm đau, penicillin, heparin, cyclophosphamide và phenazopyridine
•  Khối u trong bàng quang, thận hay tuyến tiền liệt
•  Tổn thương thận do tai nạn hay chơi thể thao
•  Những bài tập thể dục nặng
Đôi khi, màu đỏ trong nước tiểu thường là sắc tố đỏ từ những nguồn khác như phẩm màu thức ăn, thuốc, hay do ăn quá nhiều củ dền. Bác sĩ gọi trường hợp này là beeturia (nước tiểu có màu hồng sau khi ăn quá nhiều củ cải đường).
4. Làm thế nào để đánh giá tiểu máu
Bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh và hỏi bạn vài câu hỏi để tìm nguyên nhân của tiểu máu. Sau đó, bạn sẽ làm xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu.
Xét nghiệm nước tiểu cũng có thể bao gồm cả việc phân tích tế bào. Qua kính hiển vi, có thể tìm thấy những tế bào bất thường trong nước tiểu. Đôi khi bạn cũng được chỉ định làm xét nghiệm máu. Kết quả tăng cao một số chất thải chuyển hóa có thể là dấu hiệu của bệnh thận.
Ngoài xét nghiệm nước tiểu và máu, bạn cũng cần phải làm một số chẩn đoán hình ảnh:
•    Chụp CT. Máy chụp cắt lớp giúp xác định sỏi bàng quang hay sỏi thận, khối u, những bất thường khác của bàng quang, thận, niệu quản.
•    Siêu âm thận: Dùng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh cấu trúc của thận.
•    Chụp cản quang đường tiết niệu.
•    Soi bàng quang. Một ống nhỏ có gắn camera được đưa vào bàng quang thông qua niệu quảng. Mẫu mô (sinh thiết) được thu lại để kiểm tra sự hiện diện của những tế bào bất thường hay tế bào ung thư.
•    Sinh thiết thận. Người ta lấy một mẫu mô nhỏ ở thận và quan sát dưới kính hiển vi để tìm dấu hiệu của bệnh thận.
5. Điều trị tiểu máu như thế nào?
Điều trị tập trung vào nguyên nhân chính. Sau khi điều trị, bác sĩ sẽ kiểm tra lại còn máu trong nước tiểu không.

Nếu vẫn còn máu trong nước tiểu, cần làm thêm vài xét nghiệm, hoặc sẽ chuyển chuyên khoa tiết niệu.
Thông thường, bạn không cần điều trị trừ phi tìm được một bệnh trầm trọng gây tiểu máu.
Nếu chưa tìm được nguyên nhân, bạn sẽ được tư vấn để tiếp tục xét nghiệm nước tiểu và theo dõi huyết áp cứ mỗi 3 đến 6 tháng, nhất là nếu có yếu tố nguy cơ ung thư bàng quang (từ 50 tuổi trở lên, hút thuốc hay tiếp xúc với hóa chất công nghiệp).

 

Nguồn: Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin