Chi tiết bài viết

Cấp cứu khi bị ong đốt

Ong đốt là một tai nạn cần cấp cứu ngay vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người do nọc độc của ong. Trên thế giới, ong châu Phi có thể gây ra cái chết cho khoảng 40 người mỗi năm bằng những cuộc tấn công tập thể. Tại nước Mỹ mỗi năm có 11 người chết từ năm 1990 do loài ong này gây nên.
Ở Việt nam, thường gặp các loài ong hay đốt người là: ong vò vẽ, ong bầu, ong bắp cày, ong vàng, ong mật… Những trường hợp dễ bị ong đốt gồm: tự nhiên bị ong đốt: nếu gặp loài ong vàng, chúng có thể tự nhiên tấn công đốt người, nên khó tránh.

 

Tai nạn do ong đốt với trẻ em ở tuổi đi học thường do chọc phá tổ ong và thường xảy ra vào mùa hè. Biến chứng nguy hiểm có thể gây ra là sốc phản vệ. Riêng ở ong vò vẽ có thể gây suy thận cấp, huyết tán, tiểu Myoglobin do tiêu cơ vân.
Việc xác định loài ong đốt trẻ có thể được xác định do người nhà mang con ong đến hay thông qua việc miêu tả về đặc điểm và hình dạng con ong: ong vò vẽ: thân dài, bụng thon, thân mình có vạch vàng thường làm tổ trên cây và mái nhà. Ngoài ra cần xác định thêm về thời điểm ong đốt, và tiền sử dị ứng của bệnh nhi.
Đặc điểm lâm sàng của ong đốt bao gồm mẩn đỏ, ngứa, đau. Nốt chích của ong vò vẽ có dấu hiệu hoại tử. Triệu chứng toàn thân gồm phù, mặt đỏ, ngứa, có thể kèm các triệu chứng của suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thận cấp nếu có tổn thương thận biểu hiện bằng nước tiểu màu đỏ hoặc nâu (mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, khó thở, tức ngực, mạch nhanh, huyết áp tụt, vật vã kích thích, có thể có tiếng thở rít do phù nề thanh môn cấp, nôn mửa, tiêu chảy, rối loạn ý thức, hôn mê và tử vong).
Việc điều trị ong đốt cần tuân theo nguyên tắc: Phát hiện và điều trị ngay sốc phản vệ, điều trị biến chứng (suy thận cấp, suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan), phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng vết cắn.
Về theo dõi và chăm sóc điều dưỡng hàng ngày cần đo dấu hiệu sinh tồn, lượng nước tiểu, màu sắc nước tiểu, lượng xuất nhập, cân nặng mỗi ngày khi có thiểu niệu, điện giải đồ, tổng phân tích nước tiểu.
Cần tránh xa khi nhìn thấy tổ ong để phòng tránh việc bị ong đốt. Căn dặn trẻ em không nên đến gần tổ ong, không ném, phá hay lấy que chọc tổ ong. Ong thường làm tổ ở cây, khó nhìn thấy, hoặc có loài ong làm tổ dưới đất. Vì vậy không nên ra vườn vào buổi tối, khó phát hiện được tổ ong để tránh. Nếu bị ong tấn công cần nhanh chóng trùm kín mặt và các phần da bị hở. Nếu có ao nước mà biết bơi lặn, có thể lặn xuống nước để tránh bị ong đốt. Dùng mùn rơm hoặc giẻ tẩm dầu đốt có nhiều khói để xua ong đi nơi khác làm tổ.

Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108