Chi tiết bài viết

Xơ phổi vô căn: Những điều cần biết

Xơ phổi vô căn là bệnh lý ở phổi khiến các mô trong phổi bị cứng, xơ hóa. Phổi bị xơ hóa khiến người bệnh gặp khó khăn khi hít thở. Cùng tìm hiểu về căn bệnh xơ phổi vô căn qua bài viết dưới đây.

1. Xơ phổi vô căn là bệnh gì?

Xơ phổi vô căn là một bệnh lý ở phổi không xác định được nguyên nhân gây ra bệnh, trong đó sự dày lên của thành phế nang phổi do hóa sẹo khiến người bệnh khó thở, ho, mệt mỏi, dẫn đến nồng độ oxy trong máu bị giảm xuống.

2. Nguyên nhân gây xơ hóa phổi

Xơ phổi vô căn hay còn được gọi là xơ phổi nguyên phát, thuật ngữ này dùng để phân biệt với xơ phổi thứ phát do các tổn thương ở phổi như lao phổi, viêm phổi hay nhồi máu phổi,…

Xơ phổi vô căn nghĩa là không rõ nguyên nhân gây xơ phổi, tuy nhiên có nhiều yếu tố có nguy cơ kích hoạt quá trình tổn thương các tế bào lót trong phế nang phổi như:

  • Thuốc lá: Bệnh lý xơ phổi thường gặp ở những người có hút thuốc hoặc đã từng hút thuốc lá;
  • Bị nhiễm virus: Một số chủng virus bao gồm Epstein-Barr, viêm gan siêu vi C;
  • Bị trào dạ dày thực quản: Khi dịch ở dạ dày trào ngược lên thực quản, nếu để lâu không điều trị, người bệnh có thể hít vào phổi một cách vô thức và gây nên xơ phổi;
  • Di truyền: Trong một số trường hợp, xơ phổi vô căn có thể là do di truyền;
  • Một số thuốc như Methotrexate, Cyclophosphamide, Azathioprine… có thể gây ra tác dụng phụ;
  • Môi trường sống, môi trường làm việc bị ô nhiễm, khi tiếp xúc hoặc phơi nhiễm với bụi gỗ, bụi kim loại và một số hóa chất.

Tuy nhiên, 2 trường hợp xơ hóa phổi là do thuốc hoặc môi trường ô nhiễm sẽ không được coi là vô căn, vì có thể xác định được nguyên nhân gây bệnh. Nếu nghi ngờ bị xơ phổi, bác sĩ có thể hỏi kỹ bệnh nhân về tiền sử bệnh, các loại thuốc điều trị đã sử dụng cũng như môi trường làm việc như thế nào để loại trừ các nguyên nhân nêu trên.

3. Dấu hiệu của phổi bị xơ hóa

Xơ phổi vô căn gây ra sẹo và khiến phổi bị xơ cứng. Nếu không được phát hiện và điều trị, những vết sẹo trong phổi sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và gây ra một số triệu chứng như:

  • Khó khăn khi hít thở;
  • Ho nhiều và kéo dài;
  • Hay mệt mỏi;
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân;
  • Cảm thấy khó chịu ở ngực;
  • Khi phổi không nhận đủ oxy để cung cấp cho cơ thể, sẽ dẫn đến suy hô hấp và suy tim, cũng như một số vấn đề sức khỏe khác.

4. Đối tượng nào dễ bị xơ hóa phổi

  • Đa phần bệnh nhân xơ phổi vô căn có triệu chứng ho và khó thở thường nằm trong độ tuổi từ 50 đến 70 tuổi, ít gặp ở bệnh nhân dưới 50 tuổi;
  • Nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới, tuy nhiên gần đây tỷ lệ mắc bệnh xơ phổi cũng tăng lên ở nữ giới;
  • Trong một vài trường hợp, xơ phổi vô căn xuất hiện ở nhiều thành viên thuộc nhiều thế hệ trong cùng một gia đình, do đó, có nghi ngờ rằng bệnh là do gen di truyền gây ra.

5. Các giai đoạn của bệnh xơ phổi vô căn

Xơ phổi vô căn không có giai đoạn cụ thể, tuy nhiên bệnh vẫn có những giai đoạn với biểu hiện đặc trưng khi tiến triển:

  • Chẩn đoán lần đầu tiên: Người bệnh có thể không cần oxy hỗ trợ. Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhân có thể cần oxy khi hoạt động vì cảm thấy khó thở trong các hoạt động hằng ngày như đi bộ, dọn dẹp nhà cửa. Khi các tổn thương sẹo ở phổi trở nên tồi tệ hơn, người bệnh có thể cần oxy mọi lúc ngay cả khi nghỉ ngơi, hoạt động, thậm chí cả khi ngủ;
  • Những giai đoạn tiếp theo của xơ phổi vô căn: Người bệnh liên tục cần oxy. Khi bệnh trở nên tồi tệ hơn, một số bệnh nhân sẽ trải qua các đợt bùng phát bệnh hoặc những giai đoạn khó thở hơn. Lúc này, tổn thương ở phổi là không thể hồi phục được và phổi bị mất chức năng.

6. Chẩn đoán xơ phổi vô căn

Do bệnh xơ phổi vô căn tiến triển chậm và không có dấu hiệu rõ rệt nên khó có thể chẩn đoán ban đầu. Các nguyên nhân gây sẹo xơ phổi cũng tương tự như như những sẹo do các bệnh phổi khác gây ra. Do đó, sẽ mất thời gian để chẩn đoán phân biệt giữa xơ phổi vô căn và những bệnh phổi khác ở giai đoạn đầu.

Một số xét nghiệm được sử dụng để có thể chẩn đoán xơ phổi gồm:

  • Chụp X-quang ngực;
  • Xét nghiệm chức năng của phổi;
  • Tiến hành xung oxy;
  • Chụp cắt lớp vi tính với độ phân giải cao (HRCT);
  • Thực hiện xét nghiệm thủy tinh máu động mạch;
  • Một số bài tập kiểm tra;
  • Thực hiện sinh thiết phổi.

7. Điều trị xơ phổi vô căn như thế nào?

Xơ phổi vô căn chưa có phương pháp điều trị tối ưu, việc điều trị chủ yếu là kiểm soát các triệu chứng:

  • Sử dụng thuốc: Xơ phổi do các túi trao đổi khí nhỏ (phế nang) bị viêm và dẫn đến xơ hóa, do đó, việc điều trị thường dựa trên một số loại thuốc có tác dụng giảm viêm, ví dụ như steroid (hay corticoid) và thường được kết hợp sử dụng với thuốc ức chế miễn dịch. Tuy nhiên, sử dụng steroid có thể gây ra một số tác dụng phụ như tăng huyết áp, đái tháo đường, khó ngủ, hoặc loãng xương;
  • Sử dụng liệu pháp oxy tại nhà trong trường hợp các triệu chứng trở nên nặng hơn;
  • Vật lý trị liệu/phục hồi chức năng hô hấp: Phương pháp này bao gồm giáo dục về xơ phổi vô căn và một số bài tập thể dục;
  • Cai thuốc lá nếu đang hút thuốc;
  • Tiêm phòng vaccine cúm và phế cầu: Giúp bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu người bệnh đang bị bệnh phổi;
  • Ghép phổi: Phù hợp với bệnh nhân còn trẻ tuổi nhưng bệnh nặng dù đã điều trị bằng nhiều loại thuốc khác nhau;
  • Phương pháp điều trị xơ phổi vô căn mới: Mặc dù không chữa hết bệnh tuy nhiên có thể cải thiện các triệu chứng và làm chậm tiến triển của bệnh, ví dụ như một số loại thuốc bao gồm pirfenidone và nintedanib;
  • Không điều trị: Điều trị có thể gây ra tác dụng phụ ở một số bệnh nhân, do đó cần được cân nhắc. Không điều trị thường được khuyên đối với những bệnh nhân lớn tuổi với triệu chứng còn nhẹ hoặc không nặng lắm. Tuy nhiên, tình trạng người bệnh phải được bác sĩ hô hấp theo dõi thường xuyên.

8. Biến chứng của xơ phổi vô căn

Xơ hóa phổi có thể tiến triển tồi tệ hơn theo thời gian. Mặc dù người bệnh có thể được điều trị để giúp kiểm soát các triệu chứng, tuy nhiên không thể ngăn chặn sẹo và tổn thương ở phổi hoàn toàn được. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể tiến triển nhanh ở một số bệnh nhân.

Khi xơ hóa phổi làm hạn chế một số chức năng của phổi thì bệnh có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như suy tim, viêm phổi, thuyên tác phổi, tăng huyết áp động mạch phổi… Ngoài ra, còn khiến các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn sau khi phổi bị nhiễm trùng, suy tim hoặc thuyên tắc phổi.

Để phòng ngừa xơ hóa phổi cần có lối sống lành mạnh như không hút thuốc, giảm cân, tiêm phòng vaccine, uống thuốc bổ, vitamin đầy đủ.

Nguồn:Bệnh Viện Vinmec