Chẩn đoán bệnh viêm não mô cầu
![](https://bloomaxx.com/wp-content/uploads/2020/04/l-9.png)
Viêm não mô cầu là bệnh phát triển nhanh, mạnh với tỷ lệ tử vong có thể lên tới 15% hoặc để lại nhiều di chứng nguy hiểm sau khi chữa khỏi. Chẩn đoán viêm não mô cầu sớm là biện pháp hữu hiệu trong việc điều trị hiệu quả căn bệnh này.
1. Bệnh viêm não mô cầu là gì?
Viêm não mô cầu là bệnh gây ra bởi vi khuẩn Neisseria meningitidis. Vi khuẩn xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp, sau thời gian ủ bệnh 2 – 10 ngày (trung bình là 3 – 4 ngày) sẽ gây viêm niêm mạc hầu họng hoặc xâm nhập vào máu, đi khắp cơ thể và gây bệnh. Các chủng gây bệnh thường gặp là A, B, C, Y, Z, W-135,… Trong đó, ở Việt Nam phổ biến nhất là các chủng A, B, C.
Bệnh lây truyền qua việc tiếp xúc với dịch tiết mũi, họng của bệnh nhân do ho, hắt hơi, dùng chung đồ ăn – uống, bàn chải đánh răng,… Viêm màng não mô cầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực, tỷ lệ tử vong của bệnh từ 5 – 15%. Đặc biệt, ở những người được điều trị khỏi bệnh vẫn có nguy cơ gặp phải các di chứng như mất thính lực, khuyết tật tâm thần, suy nội tạng, hoại tử chi,…
2. Chẩn đoán viêm não mô cầu
2.1 Chẩn đoán dựa trên triệu chứng lâm sàng
- Có các yếu tố dịch tễ liên quan: Tiếp xúc với bệnh nhân bị viêm não mô cầu, nằm trong vùng có dịch với thời gian ủ bệnh 2 – 10 ngày;
- Có triệu chứng nhiễm trùng rõ rệt: s đột ngột 39 – 40°C, có thể có triệu chứng rét run, ho, đau họng, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và nôn ói, đau cơ và khớp;
- Có biểu hiện rối loạn ý thức, li bì, kích thích, vật vã, co giật, hôn mê
- Có thể có hội chứng viêm màng não với các triệu chứng đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn gói, gáy cứng, táo bón, trẻ nhỏ có thể bị tiêu chảy, thóp phồng và gáy mềm;
- Triệu chứng trên da: Xuất hiện ban xuất huyết hoại tử hình sao (tử ban) màu đỏ hoặc tím thẫm, đường kính 1 – 5mm hoặc kết thành đám, xuất hiện sớm (1 – 2 ngày sau khi phát bệnh), lan nhanh, thường gặp ở 2 chi dưới;
- Trường hợp nặng có biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, bị sốc như mạch nhanh, hạ huyết áp hoặc huyết áp kẹt, thiểu niệu, vô niệu, suy thượng thận, đông máu nội mạch rải rác, suy đa tạng, có thể tử vong trong vòng 24 giờ.
2.2 Chẩn đoán dựa trên các xét nghiệm cận lâm sàng
- Công thức máu: Bạch cầu tăng khoảng 12.000 – 40.000/mm3, chủ yếu là tăng bạch cầu đa nhân trung tính (trên 80%), có thể bị giảm bạch cầu (trong thể tối cấp). Đồng thời, tiểu cầu giảm (< 100.000/mm3) do đông máu tiêu thụ với giảm fibrinogen, giảm tỷ lệ prothrombin, các yếu tố đông máu V, VII, VIII, IX giảm, tăng sản phẩm giáng hóa fibrin;
- Cấy máu: Cho tỷ lệ kết quả dương tính cao, đạt 50 – 75% trong trường hợp nhiễm khuẩn huyết và 30% trong trường hợp viêm màng não. Tuy nhiên, cấy máu cũng có thể cho kết quả âm tính nếu bệnh nhân đã được điều trị kháng sinh;
- Dịch tử ban: Soi thấy song cầu khuẩn gram âm; cấy thấy vi khuẩn não mô cầu;
- Ngoáy họng: Soi, cấy tìm thấy vi khuẩn não mô cầu;
- Dịch não tủy: Phân lập được vi khuẩn não mô cầu;
- Phương pháp miễn dịch: Ngưng kết latex (sử dụng hạt latex có gắn γ globulin ngưng kết được với vi khuẩn não mô cầu trong bệnh phẩm).
2.3 Chẩn đoán phân biệt
- Chẩn đoán phân biệt với các bệnh nhiễm trùng khác cũng có hội chứng nhiễm trùng và ban nổi trên da (không có hoại tử) và ban thường xuất hiện muộn hơn (sau 3 ngày kể từ khi phát bệnh) ;
- Chẩn đoán phân biệt với những bệnh khi xét nghiệm không thấy sự hiện diện của vi khuẩn Neisseria meningitidis trong máu, dịch não tủy, tử ban, dịch họng – hầu,…
3. Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm não mô cầu
Viêm não mô cầu có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân hoặc để tại các thương tật vĩnh viễn như tổn thương não, hoại tử chi,… Vì vậy, cần chủ động phòng ngừa bệnh bằng cách tiêm vắc xin viêm naoz mô cầu.
Nguồn: Bệnh Viện Vinmec