Chi tiết bài viết

Hướng dẫn chăm sóc trẻ em nhiễm virus Corona

Hướng dẫn chung trong quản lý chế độ dinh dưỡng và nuôi dưỡng những người mắc viêm phổi cấp do virus Corona được xây dựng dựa trên các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về Chăm sóc Dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn khi mắc virus, có sự bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh của Việt Nam, ở các khoa lâm sàng tại các bệnh viện, bao gồm Bệnh viện Phổi Trung Ương.

1. Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh nhiễm virus Corona

Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh khi trẻ bị nhiễm virus Corona sẽ tuân theo một số nguyên tắc sau đây:

  • Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi cho tới 59 tháng tuổi: chu vi vòng cánh tay, cân nặng theo chiều cao và dấu hiệu phù có thể được sử dụng để sàng lọc tình trạng suy dinh dưỡng.
  • Điều trị dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ theo hướng dẫn đối với các trường hợp suy dinh dưỡng cấp tính, phối hợp với điều trị bệnh viêm phẩu cấp Corona
  • Đối với trẻ đang bú mẹ mà mẹ bị mắc Corona, trẻ chưa có triệu chứng mắc Corona, khuyến nghị tách riêng mẹ và con, nuôi dưỡng trẻ bằng chế phẩm sữa thay thế.
  • Nếu trẻ đang bú mẹ mà cả mẹ và con đều bị mắc Corona, nguy cơ của việc không bú mẹ cao hơn bất kỳ lợi ích nào khác của việc dùng chế phẩm sữa thay thế. Do vậy, nếu người mẹ vẫn còn đủ khỏe để cho con bú, hãy hỗ trợ người mẹ tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu người mẹ sức khỏe yếu không thể cho con bú, khi đó sẽ dùng chế phẩm sữa thay thế nuôi con.
  • Phương pháp nuôi dưỡng dùng chế phẩm sữa thay thế là an toàn nhất cho trẻ nhỏ dưới 6 tháng (sữa bột công thức). Không khuyến khích dùng vú nuôi thay thế.

2. Chăm sóc dinh dưỡng khi ra viện

Khi người bệnh đã khỏi bệnh, các xét nghiệm âm tính với Corona và tình trạng lâm sàng đã ổn định và sẵn sàng để ra viện, đây là lúc để có kế hoạch chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân khi trở về cộng đồng, giúp phục hồi cơ thể tốt và tránh tái nhiễm Corona.

Khi người bệnh đã không còn mắc Corona và đã khỏi bệnh, trước khi ra viện, cần phải sàng lọc và đánh giá để phát hiện nguy cơ suy dinh dưỡng cấp tính.

Những bệnh nhân khi ra viện bị suy dinh dưỡng cấp tính nên tiếp tục sử dụng chế phẩm dinh dưỡng cao đạm cao năng lượng trong ít nhất 1 tháng sau ra viện.

Những bệnh nhân khi ra viện không bị suy dinh dưỡng nên có chế độ bổ sung dinh dưỡng vào bữa ăn hàng ngày (thêm 2 – 3 bữa phụ/ngày, bao gồm sữa, sữa chua, hoa quả.) trong ít nhất 2 tuần.

Nguồn: Bệnh viện Vinmec