Chi tiết bài viết

Nhận diện cơn đau bụng do sỏi mật gây nên

Sỏi túi mật là bệnh thường gặp, đặc biệt ở những phụ nữ tuổi trung niên, thừa cân hoặc có nồng độ cholesterol trong máu cao. Thông thường, nếu sỏi túi mật nhỏ và không có triệu chứng đau thì không cần phẫu thuật. Ngược lại, khi sỏi túi mật gây đau thường được chỉ định phẫu thuật cấp cứu hoặc cắt túi mật lấy sỏi. Vậy làm sao để nhận diện dấu hiệu cơn đau sỏi mật để kịp thời xử trí?

1. Bệnh sỏi đường mật là gì?

Hiểu một cách đơn giản, sỏi mật là sự lắng đọng bất thường của dịch mật, tạo nên những hạt cứng, rắn như đá (sỏi viên) hoặc ở dạng nhầy như bùn (sỏi bùn mật).

Trước đây, giun sán là một yếu tố gây bệnh nhưng ngày nay nguyên nhân này không còn phổ biến. Hiện nay, bệnh sỏi mật chủ yếu là do rối loạn chuyển hóa làm thay đổi lượng cholesterol, sắc tố mật và muối mật trong dịch mật, tạo điều kiện hình thành sỏi. Ngoài ra, phụ nữ mang thai, người béo phì, tiểu đường… có nguy cơ sỏi mật cao hơn.

2. Dấu hiệu đau sỏi mật

Ở mỗi người, các triệu chứng của bệnh sỏi mật không giống nhau do vị trí sỏi khác nhau sẽ gây ra cơn đau sỏi mật tương ứng. Tuy nhiên, có 4 triệu chứng đau bụng sỏi mật phổ biến, hầu như người bệnh nào cũng gặp phải:

  • Đau bụng ở vị trí mạn sườn phải: Cơn đau sỏi mật thường xuất hiện ở góc sườn bên phải hoặc vùng thượng vị. Tính chất đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội tùy theo vị trí sỏi xuất hiện và thường xảy ra sau khi ăn nhiều dầu mỡ;

  • Sỏi viên, sỏi bùn: Cơn đau dữ dội ở vùng dưới sườn phải, theo từng cơn kèm cảm giác đầy trướng, buồn nôn;
  • Sỏi tại ống mật chủ: Thường có các triệu chứng điển hình tuần tự xuất hiện gồm đau bụng, đau dữ dội ở hạ sườn phải lan ra lưng, bả vai và cả thượng vị, khiến nhiều người nhầm tưởng là bệnh dạ dày, kèm với cơn đau là biểu hiện tắc mật như: vàng da, vàng mắt, sốt cao…
  • Sỏi ở ngã ba đường dẫn mật: Gây ra cơn đau bụng dữ dội, có thể gây tắc mật làm vàng da, vàng mắt, phân bạc màu. Nếu sỏi ở túi mật và ở cổ túi mật thì bệnh nhân thường đau bụng dữ dội vùng dưới sườn phải.

Ngoài đau bụng, người bệnh còn có các triệu chứng khác như:

  • Sốt kèm vã mồ hôi, ớn lạnh: Do nhiễm trùng đường mật, viêm túi mật. Có thể sốt cao đến 38 – 39 độ C kèm theo cơn đau sỏi mật dữ dội, vã mồ hôi nhưng cũng có khi chỉ sốt nhẹ nhưng kéo dài. Đây là một trong những điểm để phân biệt triệu chứng sỏi mật và bệnh dạ dày;
  • Vàng da, vàng mắt: Mức độ ở mỗi người khác nhau tùy vào mức độ tắc mật, thường đi kèm với các triệu chứng như đi ngoài phân trắng, ngứa da. Đây cũng là một trong những điểm để phân biệt triệu chứng sỏi mật và bệnh dạ dày;
  • Rối loạn tiêu hóa: Cơn đau cấp tính ở túi mật có thể gây buồn nôn và nôn, đầy bụng, chậm tiêu, chán ăn, sợ mỡ, rất dễ nhầm với bệnh dạ dày – tá tràng và bệnh đường tiêu hóa.

3. Bị sỏi túi mật phải làm sao?

Ngay khi nhận biết những triệu chứng của cơn đau sỏi mật, cần tìm cách giảm bớt và chủ động điều trị sớm, trước khi dẫn đến những biến chứng nguy hiểm hơn. Chúng ta có thể áp dụng các biện pháp giảm đau tạm thời tại nhà nếu cơn đau không quá dữ dội:

  • Chườm ấm bụng bằng túi giữ nhiệt hoặc chai nước ấm, đặt túi giữ nhiệt lên vùng bụng bị đau, xoa nhẹ nhàng, sức nóng tỏa ra sẽ giúp dịu cơn đau;
  • Uống nước hoa quả như nước cam, nước chanh hoặc nước ép rau củ. Các loại thức uống giàu vitamin này rất tốt cho sức khỏe và còn rất ngon miệng, giúp tinh thần phấn chấn hơn, làm dịu đi cơn đau do sỏi mật.

Tùy từng thể bệnh mà các bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Sỏi túi mật có thể chữa khỏi bằng cách phẩu thuật cắt túi mật và lấy sỏi mật. Việc này thường được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi (tạo vài đường mổ nhỏ để đưa dụng cụ vào trong ổ bụng). Với phương pháp này, việc hồi phục sức khỏe khá nhanh và bệnh nhân có thể về nhà sau phẫu thuật một ngày.

Trong một số trường hợp bác sĩ có thể cho thuốc làm tan sỏi mật nếu việc phẫu thuật quá nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân cần sử dụng thuốc trong thời gian dài và bệnh có thể tái phát khi ngưng sử dụng thuốc. Bệnh nhân bị sỏi mật cần phải kiêng ăn mỡ, nhất là các loại thịt mỡ động vật như bò, gà, lợn… Có thể uống các loại nước thuốc nam có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh như nước khoáng, nước nhân trần, actiso.

4. Phòng ngừa bệnh sỏi mật

  • Phòng bệnh sỏi mật hiệu quả nhất là thực hiện khám định kỳ để kịp phát hiện và điều trị nguyên nhân gây sỏi mật ở những bệnh nhân như bệnh ở đoạn ruột cuối làm giảm hấp thu muối mật, rối loạn lipid máu…;
  • Kiểm soát ăn uống chống thừa cân béo phì, tránh ăn chế độ ăn giàu calo, tránh dùng các thuốc estrogen chữa bệnh cho người có bệnh sỏi mật từ trước;
  • Định kỳ 6 tháng một lần tẩy giun, thực hiện ăn chín uống sôi để tránh nhiễm giun.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec