Chi tiết bài viết

Dấu hiệu suy thận ở bệnh nhân tiểu đường

Khi bị suy thận kết hợp với tiểu đường, các chức năng thận bị suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và tính mạng. Do đó, phát hiện sớm dấu hiệu suy thận ở bệnh nhân tiểu đường là rất quan trọng trong điều trị và dự phòng.

1. Triệu chứng thường gặp của bệnh thận ở bệnh nhân tiểu đường

Các triệu chứng thường gặp của bệnh thận ở bệnh nhân mắc đái tháo đường cũng tương tự như các triệu chứng của bệnh thận mạn tính và thường xảy ra khi bệnh đã ở giai đoạn cuối:

1.1 Nước tiểu bất thường

Có bong bóng hoặc bọt trong nước tiểu, lượng nước tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường, có máu trong nước tiểu (thường chỉ nhìn thấy được qua kính hiển vi).

1.2 Phù

Do bị giảm mức lọc cầu thận gây ứ nước, ứ muối trong cơ thể. Thường sẽ là phù toàn thân, từ mí mắt xuống bàn chân, da trắng nhạt.

1.3 Thiếu máu

Thiếu máu rất khó hồi phục do thận không sản xuất đủ Erythropoietin (là một hormone thiết yếu để tạo hồng cầu từ mô dòng hồng cầu trong tủy xương). Thiếu máu khiến người bệnh thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, mất tập trung và cảm giác ớn lạnh.

1.4 Ngứa ở da

Do sự tích tụ với nồng độ cao của các chất thải trong máu.

1.5 Mất cảm giác ngon miệng

Do nồng độ ure trong máu cao (hội cứng ure huyết) sẽ khiến thức ăn có vị khác đi, làm mất đi cảm giác ngon miệng và hơi thở có mùi.

1.6 Buồn nôn và nôn

Do tích tụ quá nhiều các chất thải trong máu có thể gây nên tình trạng buồn nôn và nôn.

1.7 Khó thở

Do ứ dịch tại phổi hoặc thiếu máu (thiếu hụt các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy) sẽ gây cảm giác khó thở.

2. Dấu hiệu suy thận ở bệnh nhân tiểu đường

Biến chứng bệnh thận dẫn đến suy thận xuất hiện ở khoảng 20 – 40% có những dấu hiệu của bệnh đái tháo đường. Hiện đây là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh đái tháo đường và là nguyên nhân hàng đầu của bệnh thận mạn tính, suy thận.

Những dấu hiệu sớm nhất của bệnh thận ở người mắc bệnh tiểu đường là việc bài tiết alubumin tăng lên trong nước tiểu. Tuy nhiên, phải mất một thời gian dài để xét nghiệm thông thường cho thấy những dấu hiệu của bệnh thận. Vì vậy, cần phải làm xét nghiệm này hàng năm.

Một dấu hiệu sớm khác của bệnh có thể xảy ra là tình trạng tăng cân và mắt cá chân bị sưng. Bệnh nhân sẽ đi vệ sinh nhiều hơn vào ban đêm. Huyết áp có thể quá cao. Khi đã mắc bệnh tiểu đường, nên kiểm tra nồng độ máu, nước tiểu và huyết áp ít nhất một lần trong năm. Điều này sẽ dẫn đến việc kiểm soát bệnh tốt hơn và điều trị sớm các bệnh về cao huyết áp và thận. Việc duy trì sự kiểm soát bệnh tiểu đường có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh thận nặng hơn.

Khi bị suy thận, nồng độ nitơ-urê trong máu (BUN) sẽ tăng cùng lúc với nồng độ Creatinine trong máu. Bệnh nhân cũng có thể bị buồn nôn, nôn mửa, mất cảm giác ngon miệng, mệt mỏi ngày càng tăng hoặc ngứa, đau cơ (đặc biệt là ở chân) và thiếu máu (hoặc nồng độ máu thấp). Nếu bệnh trạng phát triển bất cứ dấu hiệu nào, hãy thông báo với bác sĩ ngay.

3. Phương pháp mới sàng lọc sớm suy thận ở bệnh nhân tiểu đường

Các dấu hiệu và triệu chứng thực thể của suy thận ở bệnh nhân tiểu đường đôi khi không rõ ràng và chính xác.Do đó, sàng lọc sớm suy thận ở bệnh nhân tiểu đường là cần thiết, cần được thực hiện sớm và thường xuyên để theo dõi chức năng thận.

Nguồn: Bệnh Viện Vinmec